Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ sự tin tưởng của mình với 155 doanh nghiệp cơ khí lớn trong cả nước tham dự hội nghị, với những gì 21.000 doanh nghiệp cơ khí trong nước đang tạo ra. Với những thành tựu vang bóng một thời của ngành này trong quá khứ, cùng những định hướng chiến lược Chính phủ sẽ đưa ra trong thời gian tới đây, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, quyết chí đưa ngành cơ khí Việt Nam phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết cả Chính phủ và các doanh nghiệp cơ khí phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, để từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn. Chính sách đó phải "đi tắt đón đầu" để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập. Bởi theo Thủ tướng, bất kỳ quốc gia nào đều cần phải phát triển ngành cơ khí để hướng tới một nền kinh tế tự chủ.
Thủ tướng nhấn mạnh phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng phải tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa; đồng thời có chính sách để các doanh nghiệp cơ khí tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho doanh nghiệp trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.
Để Việt Nam xây dựng được một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước; đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trong ngành cơ khí bảo đảm định hướng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.
Bộ Tài chính được giao đề xuất sửa đổi chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5 - 10 năm, cũng như không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp tại Hội nghị để dự một nghị quyết của Chính Phủ mang hơi thở cuộc sống về phát triển cơ khí. Đây là định hướng chiến lược cho ngành cơ khí thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình để góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2030. Thủ tướng nhấn mạnh đây không chỉ là ước mơ mà còn phải là hành động, vì thế Chính phủ sẽ quyết tâm không bàn lùi về những chính sách phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!