Thủ tướng: Phải tạo đột phá để phát triển nguồn dược liệu Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/04/2017 19:54 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

VTV.vn - Sáng nay (12/4), Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, một thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả trong nhiều năm qua.

Từ những ý kiến tại Hội nghị cho thấy, Việt Nam dù có tiềm năng rất lớn về dược liệu nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc và rào cản để khai thác hiệu quả tiềm năng này.

Ngoài 1.300 bài thuốc cổ truyền, Việt Nam còn có hơn 5.100 cây dược liệu nhưng hiện Việt Nam chỉ đang trồng trên 200 loại cây, trong đó chỉ có 13 loại được trồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Trong khi nhu cầu của ngành dược liệu cả nước hiện lên đến 60.000 tấn/năm nhưng 80% phải nhập khẩu. Nguyên nhân được xác định là do chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trồng dược liệu. Vì vậy, sâm Ngọc Linh của Việt Nam được cho là tốt nhất thế giới, tốt hơn cả sâm Hàn Quốc nhưng mới chỉ được dùng chủ yếu để ngâm rượu. Trong khi đó, nhiều loại dược liệu có thể được chiết xuất đề bào chế thuốc chữa được ung thư nhưng cũng chưa được khai thác hiệu quả.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có truyền thống quý báu về y học cổ truyền và có nhiều cây thuốc quý nổi tiếng. Với lịch sử hơn 4.000 năm, nếu tính văn bản Nhà nước chỉ đạo về lĩnh vực y học cổ truyền thì từ thời Lý, thế kỷ thứ X. Còn Chu Văn An, Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông đã biên tập những bộ sách quý, những chỉ dạy hết sức cụ thể để áp dụng y học cổ truyền trong việc bảo vệ sức khỏe.

Trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước đã đưa ra đường lối chung về y tế là y học hiện đại kết hợp với y học cổ truyền nhưng việc khai thác, chế biến dược liệu còn nhiều bất cập, nhiều loại dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt. Vấn đề nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến dược liệu còn manh mún, chưa bắt kịp với nhiều nước trong khu vực cũng như còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu to lớn của thị trường 100 triệu dân và xuất khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu hội nghị này phải thảo luận xem cái gì cản trở, làm cách nào tạo đột phá tiềm năng to lớn về dược liệu. Những cây dược liệu không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà có thể giúp một bộ phận không nhỏ nhân dân ấm no, hạnh phúc, giàu có.

Một loạt các vấn đề của ngành dược liệu Việt Nam đã được chỉ ra tại hội nghị này đó là nếu không có mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trồng dược liệu thì chắc chắn dược liệu Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với dược liệu Trung Quốc và không cạnh tranh được với các loại cây khác.

Hiện, nhiều loại thuốc từ dược liệu của Việt Nam không thể thắng thầu trong đấu thầu thuốc vào các bệnh viện. Còn bảo hiểm y tế chưa thanh toán chữa bệnh bằng thuốc từ dược liệu. Là một doanh nghiệp đứng đầu cả nước về dược phẩm, với doanh thu năm 2016 lên đến 2.000 tỷ đồng, trong đó 70% là từ dược liệu, Traphaco mới chỉ chiếm chưa đầy 1% thị trường thuốc dược liệu cả nước.

Một vấn đề khác cũng được các nhà quản lý và doanh nghiệp nêu lên tại Hội nghị là Việt Nam hiện nay chưa có chuyên ngành đạo tạo các dược sĩ về dược liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chưa được nhà nước hỗ trợ trong nghiên cứu và thử nghiệm thuốc bào chế từ dược liệu, trong khi đó, để đưa được thuốc chữa ung thư được bào chế từ cây trinh nữ hoàng cung, nhà nghiên cứu phải đầu tư rất lớn cho nghiên cứu trong nhiều năm; còn việc xin đất để trồng loại cây đặc hữu này cũng rất khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước