Anh Dương Trung Hiếu được người dân yêu mến gọi là "ông vua dược liệu" (Ảnh: NVCC).
Men theo quốc lộ 1B
Thái Nguyên - Lạng Sơn, dừng xe ở Km 25, chúng tôi cảm nhận ngay không khí trong lành, mát mẻ, một
bên là dãy núi đá vôi trùng điệp, một bên là núi đất, đồi cao lô nhô, hai bên đều
có con suối chảy quanh làng mạc thanh bình, yên ắng.
Anh Dương Trung Hiếu, xóm Làng Lai, xã La Hiên huyện Võ Nhai, Thái Nguyên tiếp tôi trong
bộ đồ lao động tay vẫn vấy đất vườn vì đang hướng dẫn bà con cách đóng bầu đất
cho lứa cây giống dược liệu mới. Sự thân thiện và cởi mở
của anh được chúng tôi cảm nhận qua câu chuyện trao đổi suốt buổi chiều trong
"mê cung" vườn tược.
Anh tâm sự: "Nhà mình
có nghề làm thuốc nam từ 5 đời nay, cơ ngơi do cụ để lại nhưng có giai đoạn đã
không có người phát huy tiếp nối. Bố tôi cũng biết cây thuốc nhưng không muốn
làm nghề, nuôi chúng tôi ăn học bằng nghề làm nông khác. Khi chúng tôi trưởng
thành, mỗi người một nghề, chỉ có tôi và anh trai đam mê cây cỏ".
"Nhớ từ nhỏ, khi có
người nhà đau ốm bố hay sai anh đi lấy cây thuốc trên rừng nhà về để chữa, nên
anh biết nhiều thứ cây, sau này người dân toàn đào những cây như vậy bán cho
thương lái Trung Quốc, thấy tiếc nên anh nảy ra ý định giữ thôi chứ chưa có ý định
làm như bây giờ, cơ duyên từ tư duy đó vào một ngày anh táo bạo quyết định khởi
nghiệp từ cây dược liệu", anh nói thêm.
Con đường khởi nghiệp
Cách đây 6 năm, quanh làng
rất nhiều đinh lăng cổ thụ có nhà có cây to hàng 100kg cả cây mà đã nhiều đời
trồng góc vườn, góc sân chỉ để dùng lá, đột nhiên có trào lưu mua rầm rộ và hầu
như những cây thuốc đó biến mất trong chưa đầy 1 tháng. Anh Hiếu tìm hiểu và biết
cây này được xuất khẩu và sản xuất trong nước có nhu cầu rất lớn anh quyết định
thử làm.
Đi học hỏi kỹ thuật khắp
các nhà vườn, nhà giống, anh quyết định dồn toàn bộ tiền trồng 1ha đầu tiên
trong đó 2/3 là đinh lăng, 1/3 diện tích là cây ba kích, trong sự hiếu kỳ của
bà con và ngay cả người trong nhà cũng phản đối. Họ nói, trồng ngô trồng lúa
không ăn hết còn đem bán hay chăn gà chăn lợn được, trồng cái này không ai mua
thì chỉ có bỏ đi, anh nói rồi cười. Sau 2 năm, khi cơn sốt con giống cây
đinh lăng bùng nổ, anh cứ tỉa cành ươm giống, khách vào ra tấp nập, anh từ từ đi
lên, bắt đầu bà con quanh xóm xin bỏ dần diện tích cấy lúa trồng cây thuốc cho
anh để anh bao tiêu giúp.
Nhiều phen suýt... phá
sản
Anh Hiếu cho biết, sau vụ làm
ăn trôi chảy, anh bắt đầu tăng cường nhận trồng cho các công ty, các đối tác
buôn bán tới hợp đồng. Vì thiếu kinh nghiệm, anh đã cho bà con phát triển tràn
lan và nhận bao tiêu tất cả. Vào thời điểm đó, anh trồng cây kim tiền thảo, nhân
trần, cuối vụ rớt giá, đối tác bỏ anh, dân cứ ùn ùn thu hoạch sản phẩm đem tới
nhà, anh huy động hết cỡ tiền tài, vay mượn, để mua hàng đúng cam kết cho bà
con, không từ chối của ai một kg nào. Vì vậy, bà con vẫn phấn khởi, anh bắt đầu
chạy đi tìm đầu ra và lo nợ nần. Anh nói: "Tết năm đó, tôi chỉ còn chiếc xe
máy cũ và đôi gà mang về ngoại, lợn hẹn thịt chung với người ta cũng không còn
tiền mà lấy".
Sau cái Tết đó, anh gặp
một cơ sở triết xuất, họ đã mua hết sản phẩm cho anh và anh lại có cơ hội làm lại
và lần này thì khác, anh nói: "Tôi rút ra kinh nghiệm, cứ đơn vị nào hợp đồng chắc
chắn, đặt trước tiền tôi mới làm". Giai đoạn đó, anh nhận được rất nhiều đơn đặt
hàng cây giống dược liệu như: Cà gai leo, đinh lăng, hà thủ ô đỏ, ba kích; có
ngày thuê bà con cả 20 người làm việc mà không xuể. Anh tự đăng ký thành lập
công ty để tiện giao dịch và đóng góp cho địa phương, anh cứ ổn định dần như vậy
và thành "ông vua" được bà con yêu mến.
Vừa làm nhà sản xuất dược liệu, vừa làm thầy lang
Không chỉ là một giám đốc
doanh nghiệp trẻ ở tuổi 34, anh còn làm thuốc chữa bệnh cho bà con và những người
không may bị bệnh mà anh gặp. Anh nói: "Làm cái này vì thích thôi, tiền công lấy
cũng được, không cũng vui".
Anh chế thuốc ho cho trẻ,
thuốc chữa viêm phần phụ, thuốc lợi sữa... Nhiều người bệnh tìm đến anh và gọi là lang Hiếu. Anh mới thành lập xưởng sản xuất gối thảo dược và dầu rửa bát từ quả bồ hòn.
Anh chia sẻ: "Mình chủ động
nguyên liệu rồi mới tập trung làm ra sản phẩm vừa hỗ trợ lao động cho bà con vừa
có thu nhập ổn định hơn, chứ bán nguyên liệu thì rẻ mà tiếc lắm". Thế là từ đó, anh vừa
làm nhà sản xuất dược liệu, vừa làm thầy lang.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!