Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu kết luận Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vào chiều nay (27/9).
Đồng ý với những quan điểm của nhiều nhà khoa học đưa ra tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, 4 thách thức mà vùng ĐBSCL đang phải đối mặt nặng nề nhất trong 100 năm qua đó là do khai thác nước ngầm quá mức, việc chuyển nước sông Mekong sang các lưu vực sông khác, đi cùng với các hoạt động kinh tế với cường độ cao của con người, môi trường bị suy thoái do ô nhiễm nước và tàn phá rừng ngập mặn.
Cùng với việc đưa ra 3 quan điểm mới về phát triển ĐBSCL, Thủ tướng nhấn mạnh phải giữ được nước và người ở ĐBSCL thì mới gọi là thành công trong thích ứng với thiên nhiên. Vì thế, Thủ tướng đã đưa ra tầm nhìn mới về phát triển ĐBSCL, đó là đồng bằng này không chỉ là vựa lúa mà phải là nền kinh tế nông nghiệp thông minh, bền vững có giá trị gia tăng cao. Vùng này phải từ vùng trũng của giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sáng tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, chứ không phải là chỉ chạy theo sản lượng lúa.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới yêu cầu các địa phương trong vùng phải liên kết trong phát triển mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất để đảm bảo tính chất liên vùng, liên ngành, có trọng tâm trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư vào các công trình "không hối tiếc", đồng thời phải ưu tiên các giải pháp phi công trình, chứ không phải tiếp tục đắp các con đê dài. Thủ tướng cũng yêu cầu phải rà soát lại quy hoạch tổng thể theo hướng chuyển từ sống chung với lũ sang chủ động sống chung với lũ, với nước mặn và ngập. Quy hoạch phải bao gồm cả nước mặn ven bờ chứ không chỉ có nước ngọt trong nội đồng như trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm về phát triển ĐBSCL trong thời gian tới đó là không tiếp tục trồng lúa vụ 3 và tập trung vào việc phát triển những cây trồng sử dụng ít nước, có sự tham gia của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư cho giáo dục để biến vùng này thành thung lũng sáng tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đây chính là nhân tố quyết định đến sự phát triển của đồng bằng nhằm đạt được mục tiêu đưa thu nhập đầu người trong vùng lên 10.000 USD vào năm 2050.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, ngay sau Hội nghị này Chính phủ sẽ thành lập một Cơ chế điều phối chung cùng với Quỹ về phát triển ĐBSCL. Trong vòng 3 năm tới, 1 USD sẽ được đầu tư vào đây, trước mắt để xây dựng các cống điều tiết nước ở Kiên Giang, công điều tiết lũ ở Tha La và một số dự án chống xói lở vì mỗi năm 300ha đất của quốc gia bị mất đi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ huy động các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nhiều dự án khác, đi cùng với tăng cường hợp tác quốc tế.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu về vùng đồng bằng này để phục vục công tác nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những quyết sách ở hội nghị này và những quy hoạch tới đây sẽ phải được lấy ý kiến nhân dân, để người dân giám sát, phản biện. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục lắng nghe và tiếp thu đầy đủ những khuyến nghị của các nhà khoa học, đồng thời kêu gọi mọi người dân hãy đưa ra sáng kiến để cùng Chính phủ phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!