Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Mặc dù chỉ số năng suất lao động của Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp trong ASEAN, tuy nhiên, với tốc độ tăng năng suất lao động trong mấy năm gần đây, Việt Nam hoàn toàn tự tin là đang đi đúng hướng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Hội nghị của Chính phủ về cải thiện năng suất lao động quốc gia, diễn ra trong sáng nay (7/8).
Hội nghị này nằm trong chuỗi các hội nghị của Chính phủ để xác định những giải pháp nhằm khai thác được hết những tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong phát triển. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, được tính theo thông lệ quốc tế, lấy tổng giá trị sản phẩm trong nước chia cho tổng số lao động đang làm việc trong năm, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt trên 102 triệu đồng, tương đương 4.521 USD, tăng 6% so với năm 2017. Mức tăng này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nếu tính từ năm 2016 - 2018, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 5,8%. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cánh tương đối so với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trong khu vực.
Một câu hỏi được đặt ra, với mức năng suất lao động thấp như hiện nay thì có phải do người Việt Nam lao động kém hay không chăm chỉ. Vì hiện ngành nuôi cá tra, lúa gạo, nuôi bò sữa hay sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam có năng suất khá cao. Thậm chí như ở Viettel, năng suất lao động đã đạt tới 230.000 USD mỗi lao động.
Để tăng năng suất lao động, các doanh nhân và nhà nghiên cứu đã đề xuất Chính phủ cần xác định những ngành mà Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị như chế biến thực phẩm và các mô hình kinh tế mới thay vì sản xuất thiết bị điện tử hay da giày, vì các tập đoàn đa quốc gia đã hưởng hết phần giá trị cao ở các ngành này.
Dẫn lời của Giáo sư Michael Porter, cha đẻ của lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng đề nghị phải hiểu đầy đủ năng suất sử dụng các nguồn lực bao gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên khác, trong đó đặc biệt là năng suất của lao động đóng vai trò trung tâm, vì đây là thước đo chính xác nhất và có ý nghĩa duy nhất cho năng lực cạnh tranh, đây cũng là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia. Thủ tướng khẳng định năng suất lao động Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp nhưng "tiềm lực trong mỗi người dân Việt Nam rất lớn". Vì theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, mức tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp của Việt Nam từ năm 2013 đến nay đã tăng lên đáng kể, đạt mức tăng bình quân 1,7%. Mà động lực chính là sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và giảm lao động làm việc trong nông nghiệp và tăng cường đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Với các động lực đang cải cách hiện nay, mức tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp trong 5 năm tới của Việt Nam kỳ vọng đạt mức bình quân từ 1,8% trở lên, cao hơn nhiều so với bất kỳ giai đoạn tăng trưởng kinh tế nào của Việt Nam kể từ sau đổi mới.
Đồng tình với ý kiến của các nhà nghiên cứu, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế chính sách kinh tế. Trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp. Thiếu nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là kỹ năng mới nổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số. Đi cùng với động cơ sáng tạo đổi mới còn thiếu và yếu. Do đó, trong Chiến lược và Phương hướng phát triển kinh tế xã hội 10 và 5 năm tới cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế. Đi cùng với nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cấp môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi lao động được trao cơ hội, qua đó có thể phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế và xã hội. Đặc biệt là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và phát triển mạnh được khu vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng được giá trị cũng như chuyển dịch được lao động.
Thủ tướng cũng đưa ra các nhóm giải pháp để cải thiện năng suất lao động, đó là phải đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực, có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất. Đồng thời thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc đến với Việt Nam và vào được bộ máy nhà nước, vì người Việt Nam có câu một người lo bằng một kho người làm. Người tài bao giờ cũng giải quyết được nhiều vấn đề trong xã hội và trong đó giải quyết vấn đề năng suất. Một giải pháp khác để cải thiện năng suất lao động đó là phải mở rộng độ bao phủ, phổ cập và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo đi cùng với đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ.
Phát động phong trào "Năng suất lao động quốc gia", Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp hãy nỗ lực kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, cùng nhau tạo nên một cuộc bứt phá mới trong năng suất lao động để đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!