Trước nguy cơ bão số 3 chuẩn bị đổ bộ vào các tỉnh, thành miền Bắc, chiều 18/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão tại Trung tâm khí tượng, thủy văn Quốc gia.
Theo dự báo, cơn bão số 3 đang ngày càng mạnh lên. Do cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau nên Việt Nam đã phát tin về cơn bão trước Trung Quốc và Hong Kong 12 tiếng và 18 tiếng so với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Chiều nay đã phát tin bão khẩn cấp.
Hiện, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương vẫn hằng ngày trao đổi thông tin trực tiếp với Cơ quan dự báo của Trung Quốc và phía Trung Quốc cho biết chỉ 2 ngày gần đây cơn bão này đã gây mưa đến 900 mm ở đảo Hải Nam và có thể lên đến trên 1000 mm trong 1, 2 ngày tới, còn gió ở vùng tâm bão mạnh lên đến cấp 10. Đến chiều nay, bão số 3 đã tiến sát đến bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc và giật đến cấp 10-11. Hoàn lưu của cơn bão có bán kính rộng đến 200 km.
Hiện, mỗi giờ bão đi được 10km và đã vào Vịnh Bắc Bộ, do vậy bão sẽ ảnh hưởng từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Tuy nhiên, khu vực mà bão sẽ đổ bộ trực tiếp chưa được xác định. Nguy hiểm nhất là bão số 3 đang liên tục tăng cấp có khả năng đổ bộ vào đất liền vào trưa mai với sức gió giật lên đến cấp 12-14, mưa có thể lên đến 400mm tạo ra nguy cơ lũ lớn ở vùng núi, ngập nặng ở đồng bằng và các đô thị. Do bão đổ bộ vào thời điểm triều cường nên sóng biển có thể cao từ 3-5 m, đe dọa trực tiếp đến hệ thống đê biển và tiêu nước sau bão.
Trước tình hình đó, ngay trong chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo phòng chống bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Nam Định và Thái Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa để trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão số 3. Những tỉnh, thành có hệ thống đê biển phải chuẩn bị mọi biện pháp ứng, phó, đi cùng với chuẩn bị các trạm bơm điện và bơm dầu để nhanh chóng tiêu thoát nước cứu lúa. Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện phải ứng trực và kịp thời khắc phục thiệt hại để cung cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu thoát nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các tỉnh ven biển và đồng bằng cần hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời nếu cần thiết, các tỉnh miền núi phía Bắc phải chuẩn bị các phương án di dời dân và tài sản đề phòng sạt lở đất, đi cùng với kiểm tra an toàn các hồ đập. Các ngành hàng không và du lịch có phương án bảo đảm an toàn và ngừng đưa khách du lịch đến các địa điểm có nguy cơ cao. Còn các cơ quan truyền thông phải ưu tiên thông tin về cơn bão này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý và đề nghị các bộ, ngành, địa phương và đồng bào đồng chí từ Quảng Ninh đến Nghệ An không được chủ quan trước cơn bão này. Còn Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phải tham khảo nhiều nguồn dự báo khác nhau để đưa ra dự báo, nhận định và giải pháp chính xác để người dân chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu do chủ quan mà để bão gây thiệt hại lớn là có lỗi rất lớn trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!