Thực phẩm hữu cơ đang trở thành mặt hàng được nhiều bà nội trợ yêu thích, từ rau, trứng, thịt đến sữa... đều được sản xuất hữu cơ. Chính vì vậy, trong 5 năm gần đây, diện tích sản xuất thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam đã tăng lên 3,6 lần. Tuy diện tích tăng nhanh nhưng đến nay, loại sản phẩm này vẫn chưa có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể.
Theo Liên đoàn Hữu cơ thế giới, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ, từ khí hậu đến thổ nhưỡng. Một số doanh nghiệp đã xây dựng và tuần thủ khá tốt như các trang trại đạt chuẩn Organic tại Mỹ, châu Âu.
Ông Ander Leu, Chủ tịch Liên đoàn Hữu cơ thế giới (IFOAM), cho biết: "Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp đạt Organic phải tuân thủ chặt chẽ từng công đoạn. Nó là một chuỗi khép kin. Ngoài ra, cần có chứng nhận để doanh nghiệp đủ tự tin, đủ tư cách có thể xuất khẩu ra nước ngoài".
Hiện tại, 30 trong tổng sổ 63 tỉnh thành phố trên cả nước đã có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Diện tích nông nghiệp hữu cơ đã đạt chục ngàn ha. Thế nhưng, bộ tiêu chí quy định về nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn chưa có.
"Muốn phân biệt sản phẩm hữu cơ với sản phẩm thông thường thì phải có chứng nhận, nhãn mác của sản phẩm hữu cơ. Những tổ chức chứng nhận được hình thành phải là tổ chức của Việt Nam, vì thế, hành lang pháp lý cho các tổ chức chứng nhận này phải có trong thời gian tới", ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết thêm.
Trong khi Việt Nam chưa có bộ tiêu chí để chứng nhận thực phẩm hữu cơ thì các doanh nghiệp cũng đã tự đi xin đăng ký chứng nhận từ các tổ chức độc lập trên thế giới như PGS, JAS, USDA Organic hoặc Organic... Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cũng đang được kiến nghị việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!