Thủy sản nhập lậu: Khó ngăn chặn triệt để - Vì sao?

Nguyễn Trung-Thứ sáu, ngày 21/03/2014 17:43 GMT+7

Sau một thời gian tạm dừng để tránh sự truy quét gắt gao của các cơ quan chức năng, tình trạng nhập lậu thủy sản qua biên giới phía Bắc lại đang gia tăng trở lại. Không chỉ có cá tầm, ếch như trước đây, mà hiện nay thủy sản nhập lậu còn có thêm cá trắm, cá quả, ba ba.

Chỉ trong ba ngày mới đây, cảnh sát môi trường quận Đống Đa, Hà Nội đã bắt hai vụ vận chuyển hơn 5 tấn ba ba, cá quả, cá trắm nhập lậu từ biên giới phía Bắc. Tại cơ quan điều tra, các lái xe đều khai báo được thuê chở đến chợ cá đầu mối Yên Sở và không biết chủ hàng.

Theo thống kê, từ Tết Nguyên đán đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường ở các tỉnh phía Bắc đã bắt giữ trên 20 vụ vận chuyển với gần 30 tấn thủy sản nhập lậu. Lực lượng chức năng cho biết, tuyến đường Móng Cái - Hà Nội chính là một trong những cung đường chính tuồn thủy sản nhập lậu vào Việt Nam.

“Từ cửa khẩu Móng Cái các đối tượng buôn lậu thường vận chuyển thủy sản bằng xe 3,5 tấn. Về đến Hải Phòng chúng sẽ chia nhỏ ra các xe 1,5 tấn, sau đó vận chuyển về chợ Yên Sở, Hà Nội”, Trung úy Nguyễn Đức Huy - Đội Cảnh sát môi trường quận Đống Đa, Công an Hà Nội nói.

Theo ghi nhận, chợ cá đầu mối Yên Sở chủ yếu hoạt động về đêm, nhưng cơ quan kiểm dịch lại làm việc ban ngày. Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường lại cho rằng, không đủ trình độ chuyên môn để phân biệt đâu là cá nhập lậu nên không thể bắt giữ. Vì vậy, cá nhập lậu cứ vô tư được đưa vào chợ Yên Sở, trà trộn cùng cá nuôi trong nước và được phân phối bán lẻ trên toàn thành phố như không có sự quản lý của các cơ quan chức năng.

‘ Với nhiều lý do hiện công tác phòng chống thủy sản nhập lậu đang gặp khó khăn. Ảnh: VTV Online

Cũng theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp và cá nhân nhập lậu thủy sản vào trong nước nuôi ít ngày. Sau đó các đối tượng này đã xin xác nhận nguồn gốc cá nuôi trong nước của chính quyền các địa phương để hợp thức hóa thủy sản nhập lậu.

Theo qui định, cơ quan thú y chỉ cấp giấy kiểm dịch khi thủy sản được vận chuyển từ nơi có dịch sang nơi không có dịch. Thế nhưng, cơ quan thú y vẫn cấp giấy kiểm dịch cho nhiều lô hàng thủy sản, gây khó khăn trong việc phát hiện bắt giữ thủy sản nhập lậu của các cơ quan khác.

Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết:“Riêng năm 2013, cơ quan kiểm dịch thú y của bốn tỉnh biên giới phía Bắc đã cấp 73 giấy kiểm dịch đối với những lô hàng thủy hải sản nhập vào Việt Nam. Rõ ràng đây là những mặt hàng được nhập trái phép, nhưng được hợp thức hóa bằng việc nuôi trong nước, sau đó được hợp thức hóa bằng các giấy tờ để vận chuyển sâu trong nội địa”.

Thủy sản nhập lậu đang được bày bán lẫn lộn với thủy sản nuôi trong nước, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn chứa đựng nhiều nguy cơ của dịch bệnh vì chưa được kiểm soát về vệ sinh môi trường. Theo Cục Cảnh sát môi trường, thời gian sắp tới thường là mùa cao điểm tiêu thụ hàng thủy sản trên thị trường, nên tình trạng nhập lậu thủy sản dự báo sẽ gia tăng nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

Quý vị và các bạn có thể theo dõi nội dung chi tiết vấn đề trên qua VIDEO dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước