Tiếp tục duy trì cơ chế điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm

Theo Báo điện tử Chính phủ-Thứ bảy, ngày 06/12/2014 13:32 GMT+7

Việc duy trì một tổ chức, cơ chế điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm là cần thiết nhưng phải đổi mới để hoạt động và cách thức điều phối không còn “hình thức”.

Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm hoạt động điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) và đề ra mô hình, quy chế của Ban chỉ đạo trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo điều phối cho biết các địa phương trong các vùng KTTĐ đều khẳng định sự cần thiết của hoạt động phối hợp và liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng, nhưng phải được tổ chức khoa học, bao gồm: Bộ máy, quy chế tổ chức, trình độ cán bộ và nội dung hoạt động.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo, cũng đồng tình với sự cần thiết duy trì hoạt động điều phối giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua việc Chính phủ thực hiện một khối lượng lớn quy hoạch phát triển địa phương, vùng là nhờ vào sự tham mưu của hoạt động điều phối. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều dự án đặt ở một địa phương (như Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất...) nhưng phải hình thành nhiều khu công nghiệp ở các địa phương lân cận để phục vụ cho dự án đó. Chính vì thế, việc điều phối, liên kết hoạt động của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm là rất quan trọng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình hiện tại đã giúp các vùng KTTĐ có bước phát triển khá về kinh tế, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng  kinh tế-xã hội được tăng cường... Tuy nhiên những tồn tại của mô hình điều phối hiện nay là hoạt động của tổ chức bộ máy vùng KTTĐ còn bị động, hình thức, hiệu quả điều phối, phối hợp chưa cao, chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh trong quy hoạch và thực tiễn, sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố tự phát, phạm vi liên kết đơn điệu, liên kết trong sử dụng hạ tầng kỹ thuật tuy được quan tâm nhưng không đồng đều giữa các địa phương...

Cơ quan này cũng chỉ ra nguyên nhân của hạn chế là do thiếu bộ phận điều phối vùng, bộ phận chuyên trách giúp việc, bộ phận tư vấn và sự tham gia của doanh nghiệp... Trong đó, “Sự vắng mặt của khu vực doanh nghiệp cũng khiến việc đề xuất hoạt động liên kết thiếu tính thực tế, gắn với thị trường và không tranh thủ được nguồn tài trợ trong liên kết”, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đào Quang Thu nói.

Bộ KH&ĐT cũng đưa ra mô hình bộ máy chỉ đạo phát triển liên kết vùng, theo đó giữ nguyên bộ máy Ban chỉ đạo điều phối phát triển vùng KTTĐ nhưng tăng cường bộ phận giúp việc của BCĐ là Văn phòng BCĐ, đặc biệt nhấn mạnh chức năng chỉ đạo, định hướng, theo dõi, kiểm tra hoạt động liên kết, giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó cũng giữ nguyên mô hình Tổ điều phối cấp tỉnh.

Tuy nhiên, thành lập Hội đồng vùng là bộ máy điều phối vùng KTTĐ với các công việc hỗ trợ xây dựng, điều chỉnh các Quy hoạch, xây dựng kế hoạch liên kết trong vùng, tổ chức triển khai văn bản chính sách về liên kết, kiểm tra, đánh giá các vấn đề liên kết, giải quyết vấn đề nảy sinh hoặc kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương xử lý. Chức danh Chủ tịch Hội đồng này được thực hiện luân phiên, thay đổi hằng năm.

Nguyên tắc điều phối phát triển vùng KTTĐ là: Sự phát triển kinh tế của vùng xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp/thị trường , lấy hình thành cụm liên kết ngành làm trọng tâm; tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên tham gia phát triển vùng KTTĐ...

Góp ý vào bộ máy điều phối, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng kiến nghị Hội đồng vùng không chỉ có chức năng điều phối mà cần có cả quyền hạn trong tổ chức hoạt động điều phối liên kết vùng, có ngân sách riêng để phân bổ đầu tư cho các địa phương, chức danh Chủ tịch Hội đồng vùng nên duy trì trong 2 năm thay vì 1 năm...

Lãnh đạo các bộ, ngành thì cho rằng nguyên tắc điều phối “từ dưới lên” theo kiến nghị của các địa phương là chưa đầy đủ, cần có cả nguyên tắc điều phối “từ trên xuống” để đảm bảo tính thống nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng- an ninh, sử dung hiệu quả tài nguyên nước; việc thực hiện điều phối cũng phải dựa trên cơ chế chia sẻ thông tin; có nguyên tắc hỗ trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động chung của vùng; cân nhắc việc hình thành Quỹ phát triển vùng trên cơ sở phù hợp với quy định hiện hành.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến của các địa phương, bộ, ngành, theo đó cơ chế điều phối cần được thực hiện hiệu quả ở ngay cấp vùng, những vấn đề xin ý kiến Trung ương là đã đạt được đồng thuận cao ở vùng. Chính vì thế, cần quy định nhiệm vụ, trách nhiệm điều hành liên kết của chức danh Chủ tịch Hội đồng vùng.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các địa phương cũng được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao, coi đó là giải pháp khắc phục tình trạng đầu tư trùng lắp, không có tính hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra là một số cơ chế tham gia của Bộ KHĐT vào hoạt động Hội đồng vùng...

“Sắp tới các hiệp định thương mại tự do được nước ta ký kết thì việc liên kết vùng KTTĐ sẽ có tác dụng hỗ trợ phát triển, tăng sức cạnh tranh rất lớn đối với nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm hoàn thiện quy định về tổ chức và cơ chế hoạt động của các vùng KTTĐ.

 

Hiện cả nước có 4 vùng KTTĐ với 24 tỉnh, thành phố. Đó là các vùng KTTĐ Bắc Bộ, vùng KTTĐ miền Trung, vùng KTTĐ phía Nam và vùng KTTĐ Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng GDP bình quân 10 năm qua của các vùng này là 8,8% cao hơn bình quân chung cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 vùng chiếm 90,9% cả nước, tổng thu ngân sách chiếm 89,1%...

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước