Tìm kiếm phi công, máy bay CASA 212 và SU-30MK2 - nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 19/06/2016 11:00 GMT+7

VTV.vn - Tìm kiếm phi công, máy bay CASA 212 và máy bay SU-30MK2; Lời hứa của các Bộ trưởng khi bước vào nhiệm kỳ mới... là nội dung được đề cập trong các báo ra sáng nay (19/6).

* Báo Tiền phong

Chiều 18/6, chủ trì cuộc họp của Sở Chỉ huy cứu hộ cứu nạn được tổ chức tại Quân chủng Hải quân, Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định việc tìm kiếm phi công, máy bay CASA 212 và máy bay SU-30MK2 là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay.

Trên tờ Tiền phong sáng nay trích dẫn yêu cầu Trung tướng Phan Văn Giang: Từ sáng nay (19/6), sẽ tăng cường lực lượng, phương tiện tìm kiếm quanh khu vực nghi có xác máy bay CASA 212, với diện tích khoảng 200 hải lý vuông. Hoạt động tìm kiếm theo phương án đã xác định, bảo đảm không để sót đáy và mặt biển; đồng thời sử dụng các cặp tàu của ngư dân dùng lưới cào thành nhiều tầng để tìm kiếm.

Tăng cường tìm kiếm quanh khu vực nghi có xác máy bay CASA 212 Tăng cường tìm kiếm quanh khu vực nghi có xác máy bay CASA 212

VTV.vn - Chiều 18/6, Sở chỉ huy cứu hộ, cứu nạn đã chỉ đạo tăng cường lực lượng, phương tiện tìm kiếm quanh khu vực nghi có xác máy bay CASA 212.

* Báo Đại biểu nhân dân

Hiện Quốc hội đang chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ khóa XIV. Nhiệm kỳ mới, hy vọng với những đổi mới, lời hứa sẽ được kiểm chứng sau mỗi kỳ họp một cách sòng phẳng và nghiêm khắc. Sở dĩ, tờ Đại biểu nhân dân nêu vấn đề này là bởi không ít kỳ họp, cử tri chứng kiến nhiều Bộ trưởng hoặc né trả lời vào câu hỏi, không đưa ra lộ trình hoặc đổ lỗi cho ngành khác, cơ quan khác. Rất hiếm có "lời hứa" chính thức được đưa ra. Phần lớn chỉ là "xin tiếp thu và sẽ báo cáo Chính phủ", hoặc "thời gian tới sẽ phối hợp xử lý".

* Báo Người Lao động

Trong quá trình nước rút rà soát đăng ký kinh doanh hiện nay, nhiều Bộ, ngành không những không loại bỏ đăng ký kinh doanh trái thẩm quyền, mà còn "sáng tạo" thêm. Dẫn chứng cụ thể từ tờ trình dự thảo kinh doanh mũ bảo hiểm của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, dự thảo nghị định đã bổ sung nhiều điều kiện kinh doanh như: doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất… Tờ Người lao động phân tích, doanh nghiệp chưa có giấy phép hoạt động đã phải tổ chức hệ thống phân phối là quy trình rất ngược.

Cuộc chiến với giấy phép con dai dẳng suốt gần 20 năm qua và đã có những đăng ký kinh doanh được loại bỏ, nhưng cuối cùng lại được khôi phục với tính chất phức tạp hơn. Đến khi Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành mới chạy đua nước rút thực hiện. Cách làm việc như vậy, có thể dẫn đến tình trạng nhiều đăng ký kinh doanh chỉ thay vỏ, không có chuyển biến về chất lượng.

* Báo Pháp luật TP.HCM

Mới đây, tại cuộc họp với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, nhất quyết trong năm nay phải dứt khoát bỏ dạy thêm, học thêm. Mổ xẻ về những vấn đề sâu xa trong dạy thêm trên tờ Pháp luật TP.HCM, bà Tô Thụy Diễm Quyên - một trong 250 người được Micfosoft chọn là chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu, cho rằng: "Đánh giá học sinh theo thang giỏi, đánh giá qua điểm, qua bài thi... là nguyên nhân của nạn dạy thêm, học thêm. Muốn chấm dứt dạy thêm, học thêm, phải thay đổi từ gốc rễ đó là cách đánh giá học sinh".

Theo bà Diễm Quyên, hiện nay, học sinh giỏi phải đạt các môn đều trên 8,0. Trong đó, học sinh chỉ được phép có 1 trong 2 môn Toán hoặc Văn trên 6,5. Có những em không thể giỏi Toán, hay Hóa, nhưng các em lại rất xuất sắc môn Văn hay Tiếng Anh. Tuy nhiên, chỉ cần bị 6,4 một môn học nào đó là học sinh sẽ mất danh hiệu. Điều này, dẫn đến việc các em phải cố lấy điểm cao cho tất cả các môn. Đây chính là nguyên nhân của nạn dạy thêm, học thêm. Việc học ở thế kỷ XXI không còn là "anh học được gì" mà là "cách anh tư duy vấn đề như thế nào".

* Báo Nhân dân

Thu hút khách du lịch ngoại khối thông qua một thị thực (visa) chung áp dụng cho cả 10 nước thành viên là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2016 vừa diễn ra ở Phillipine. Nội dung này nhận được sự ủng hộ tích cực từ lãnh đạo ngành du lịch các nước trong khối.

Theo báo Nhân dân, sức hút từ chính sách du lịch của Việt Nam còn một khoảng cách khá lớn so với các quốc gia trong khu vực. Vì thế, việc áp dụng một thị thực chung sẽ khiến thị trường du lịch trở nên sôi động hơn. Nếu ngành du lịch không tăng cường nội lực, tích cực xây dựng hình ảnh điểm đến và môi trường du lịch, sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà. Do đó, Việt Nam cần có sự chuẩn bị toàn diện trước khi kế hoạch này được thực hiện. Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng cạnh tranh sẽ là động lực cho sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước