Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại tất cả 63 tỉnh, thành với 61.821 trường hợp mắc, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 ca tử vong. Một số địa phương có số mắc cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết, cả nước đã phát hiện 2.942 trường hợp mắc bệnh sởi tại 51 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng hơn 10 lần, song không thành ổ dịch lớn. Các tỉnh có số mắc cao là Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Quảng Ninh. Hầu hết trẻ mắc là từ vài tháng đến 4 tuổi và chưa được tiêm chủng, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, chiếm 86,4%.
Theo thông kế của Cục Y tế dự phòng về bệnh sốt xuất huyết, cả nước đã có 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. Số mắc trong các tuần gần đây có xu hướng tăng chủ yếu ở miền Nam và miền Trung.
Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định đến thời điểm hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Bộ Y tế luôn minh bạch thông tin để công tác phòng, chống dịch được hiệu quả. Bộ Y tế cũng cho biết hiện chưa có sự thay đổi về gen của virus EV71 gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.
Ông Phu cũng lưu ý, cần chú ý về sinh cho trẻ và môi trường xung quanh trường học để tránh mắc tay chân miệng. Các phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng, tránh bệnh sởi. Ngoài ra, người dân cần tăng cường vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để hạn chế sốt xuất huyết.
Tại bệnh viện Nhi TW các trường hợp đang điều trị tay chân miệng và bệnh sởi hầu hết là những trường hợp nặng. Bác sĩ khuyến cáo, nếu phát hiện trẻ bị tay chân miệng phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học để chăm sóc, tránh để lây lan. Khi được điều trị tại nhà phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nước, hạ nhiệt và vệ sinh cá nhân sạch sẽ
.* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!