Trên thế giới, tin giả tràn lan và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nội dung sai lệch nhưng bị người dùng mạng xã hội góp phần phát tán rộng rãi. Đằng sau sự phát tán thông tin đó, có không ít sự việc được đơm đặt, dựng chuyện, biến không thành có bởi các thế lực thù địch hay một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí.
Bằng thủ đoạn đó, nhóm này cố đưa người sử dụng mạng xã hội vào tình trạng đen trắng lẫn lộn, sự thật bị che khuất bởi tin tức giả mạo, sẽ đi từ tò mò, hiếu kỳ đến nhiễu loạn thông tin và không phân biệt nổi đâu là tin thật, đâu là tin giả, tin bị dựng chuyện.
Mạng xã hội tràn lan thông tin bịa đặt
Năm 2018, mạng xã hội lan truyền video có nội dung cảnh sát giao thông tỉnh Đăk Lăk chặn, cản trở xe đưa người đi cấp cứu vì lỗi chạy quá tốc độ. Trong clip có cảnh một chiếc xe vi phạm vừa bị cảnh sát thổi còi thì xuất hiện ngay một phụ nữ xuống xe kêu khóc thảm thiết, kể lể đưa con đi cấp cứu nhưng tay "không quên" cầm điện thoại ghi trực tiếp hình ảnh.
Một người đàn ông khác từ xe bế cháu bé ra đặt giữa đường. Lo cho tính mạng người dân, một cảnh sát bế cháu bé lên xe để đưa đi bệnh viện thì người nhà ngăn cản, vu khống là "công an đàn áp dân". Thế nhưng, sự thật cơ quan chức năng đã xác định, đây là clip do một tổ chức phản động cố tình dàn dựng nhằm đánh lừa dư luận.
Vài năm trước, trên mạng Internet, một số trang web, blog phản động đã đồng loạt đăng tải bài viết giới thiệu biệt thự của một lãnh đạo Chính phủ. Thậm chí còn đưa hình ảnh minh họa rất lộng lẫy và xa hoa khiến dư luận xôn xao. Sau đó, thông tin này được xác nhận là hoàn toàn bịa đặt, bởi đó là hình ảnh dinh thự của nước ngoài.
Những năm gần đây, kẻ xấu thường xuyên tạc thông tin liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước để từ đó thu hút sự chú ý của dư luận, hòng suy diễn ra hàng loạt nội dung gây hoài nghi. Thủ đoạn mà chúng sử dụng là bịa đặt trắng trợn về sức khỏe, đời tư, nhân phẩm của một số đồng chí lãnh đạo. Không những sai sự thật, mà chúng còn cố tình tỏ ra thạo tin, thậm chí viết như đang có mặt trực tiếp để tường thuật diễn biến một số vụ việc, hoặc đan xen giữa tin giả và những sự kiện có thật để người dùng tin là thật.
Cách đây vài năm, dư luận xôn xao về thông tin sức khỏe của một lãnh đạo Bộ Quốc phòng với nhiều tình tiết được thêu dệt, ly kì nhưng đến nay vị lãnh đạo đó vẫn khỏe mạnh, bình thường. Về mặt đạo lý, đó là những hành vi vô đạo đức, không thể chấp nhận trong một xã hội văn minh.
Bên cạnh những tiện ích, những điểm tích cực trong một thế giới phẳng thì mạng xã hội cũng là mảnh đất màu mỡ giúp cho tin giả phát triển và lây lan như nấm sau mưa. Không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng đang phải đối mặt với vấn nạn tin giả, tin thất thiệt, xuyên tạc. Các chính khách, nhà lãnh đạo hay người nổi tiếng luôn là chủ đề ưa thích của tin tức giả.
Quốc tế mạnh tay chống tin xấu, độc
Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính quyền một số quốc gia đã có những bước đi mạnh tay với các nền tảng mạng xã hội và đề ra những mức phạt rất lớn nếu các nền tảng này để cho phổ biến tin giả mạo, gây nguy hại cho cuộc sống của công dân, gây xáo trộn trật tự xã hội và xúc phạm các biểu tượng và thể chế nhà nước.
Tại Đông Nam Á, từ ngày 1/4, Singapore đã đề xuất các biện pháp mới cứng rắn hơn để chống nạn tin giả. Theo dự luật, những đối tượng có hành vi phát tán các thông tin sai sự thật, chứa nội dung cố ý gây hại tới lợi ích của công chúng sẽ phải đối mặt với án tù giam lên tới 10 năm. Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Twitter có thể chịu phạt lên tới 750.000 USD nếu không hạn chế tình trạng phát tán những thông tin sai lệch.
Tại Indonesia, giới chức nước này tổ chức các cuộc họp hàng tuần để nắm tình hình về "các tin tức giả" lan truyền trên mạng xã hội. Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Indonesia cũng thiết lập một trang web là nơi để công chúng tố giác các nguồn tin giả mạo.
Tại kỳ bầu cử quan trọng vừa diễn ra, giới chức Indonesia cũng đã thành lập lực lượng chống tin giả gồm 80 người chuyên phát hiện và xử lý những thông tin thất thiệt được lan truyền trên mạng xã hội.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật mới nhằm thắt chặt việc kiểm soát thông tin trên mạng Internet. Mức phạt có thể lên tới 1,5 triệu Rub (khoảng 550 triệu đồng) nếu hành vi vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như chết người hoặc bạo động.
Tháng 1/2018, Chính phủ Đức đã thông qua một đạo luật buộc các công ty mạng xã hội phải nhanh chóng xóa bỏ các nội dung thù địch, ấu dâm, hoặc có liên quan tới khủng bố và các thông tin sai sự thật. Các trang mạng xã hội này sẽ có thời hạn 24 giờ để xóa bỏ các nội dung bị cấm, nếu không sẽ bị phạt tới 50 triệu Euro.
Siết chặt an ninh mạng
Việt Nam hiện nay các quy định pháp luật để quản lý và xử lý thông tin trên Internet ngày càng được hoàn thiện. Hàng trăm đối tượng đăng tải thông tin bịa đặt đã bị xử lý hình sự. Từ đầu năm đến nay, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý, vô hiệu hóa hơn 2500 các trang tin, blog đưa thông tin xấu độc, lừa đảo, vi phạm pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã làm việc với các mạng xã hội để tháo gỡ gần 4.500 video clip xấu độc trên Youtube, 3.000 đường link trên Facebook.
Không ngăn chặn mạng xã hội, tự do thông tin cần phải được đảm bảo đó là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, trên bất cứ môi trường nào kể cả môi trường mạng, những hành vi vi phạm pháp luật cần phải bị nghiêm khắc xử lý theo pháp luật.
Đáng nói là dường như một bộ phận khá lớn người dùng mạng xã hội Việt Nam còn "hồn nhiên" khi bước chân vào mạng xã hội - một mê cung đầy hấp dẫn và cũng không ít hiểm nguy. Một số người tin tưởng vào những người khác, hoặc cố tỏ ra mình hiểu biết theo dõi sát sao các vấn đề nóng đến mức nếu thấy ai đăng tải một thông tin gì đó thì sẽ share trước, đọc sau.
Trong rất nhiều lần chia sẻ mà không kiểm chứng kỹ không thể tránh khỏi việc tiếp tay cho những nội dung hoàn toàn giả mạo. Đáng buồn trong số đó, có cả những nhân vật có uy tín, có ảnh hưởng, thậm chí được cho là "thạo tin" hơn nhiều người dùng khác, trong đó có cả các nhà báo. Chính vì vậy, mỗi người sử dụng mạng cần phải có lập trường và quan điểm trong tiếp nhận thông tin. Một điều quan trọng khác đó là đằng sau mỗi thông tin có thể là số phận, danh dự, cuộc sống của một người, thậm chí của nhiều người liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!