Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 (ảnh: TTXVN)
Tại hội nghị lần này, Trung ương đã thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019. Trung ương cũng nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung ương cũng thống nhất cao ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trung ương cũng đã quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Sau đây VTV xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
"Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã nghiêm túc nghiên cứu và chuẩn bị, sôi nổi thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo, đề án. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua các nghị quyết, kết luận và quy định của Trung ương. Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.
1. Về kinh tế - xã hội
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2018, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Dự báo, đến cuối năm 2018, có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 6,6 - 6,8%, quy mô GDP khoảng 240,5 tỉ đô la Mỹ. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức dưới 4%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường; bội chi ngân sách ở mức 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm và ngày càng thấp xa hơn mức trần do Quốc hội quy định. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu ước đạt 238 tỉ đô la, tăng 11,2% so với năm 2017; xuất siêu hơn 3 tỉ đô la Mỹ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc duy trì ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có gần 40% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Các chính sách, chế độ đối với người có công, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 5,2 - 5,7%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh, năng suất lao động được cải thiện; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Sự nghiệp y tế, thể dục, thể thao, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học và công nghệ, phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả cụ thể rõ rệt, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, đánh giá cao. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và mở rộng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Trung ương khẳng định, những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2018 đã góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nửa đầu nhiệm kỳ khoá XII, tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và 5 năm 2016 - 2020.
Tuy nhiên, Trung ương cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, kinh tế - xã hội của đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, còn tiềm ẩn một số yếu tố có thể tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh, trật tự xã hội. Tình hình trong nước, quốc tế còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Từ nay đến cuối năm và trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2018. Trong năm 2019, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của thị trường, nhất là thị trường thế giới. Duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Để có thể hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra, cần tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích và kinh nghiệm, bài học đúc rút được từ thực tế đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
2. Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển
Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao với những nhận định, đánh giá về kết quả của việc thực hiện Nghị quyết số 09, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo… Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, nhất là chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường và được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Chú ý kết hợp chặt chẽ giữa phát triển bền vững kinh tế biển với xây dựng xã hội gắn kết hài hoà với biển; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng phù hợp với quy luật tự nhiên; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển. Bảo đảm cân bằng sinh thái và hài hoà các mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, liên kết và hỗ trợ giữa các vùng nội địa đất liền, vùng ven biển và hải đảo, đại dương. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên các vùng biển, đảo để phát triển bền vững kinh tế. Trong bối cảnh cả thế giới đang thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cần quan tâm chuyển từ kinh tế biển chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, khoa học công nghệ, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam. Cơ cấu lại, phát triển đồng bộ và bền vững các ngành, lĩnh vực kinh tế biển, các vùng biển, ven biển và hải đảo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng phát triển các trung tâm kinh tế ven biển, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phát huy lợi thế về điều kiện địa chiến lược, kinh tế, chính trị và tự nhiên. Khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên biển, làm động lực cho phát triển kinh tế đất nước. Chủ động thích ứng với biến đổi khu vực và toàn cầu, trong đó có biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch cụ thể, sát hợp với thực tế. Hết sức coi trọng công tác điều tra cơ bản, thực hiện phương châm nắm chắc, quản chặt, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhà nước và xã hội, trong nước và nước ngoài để thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học - công nghệ, lấy khoa học - công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao làm khâu đột phá để phát triển kinh tế biển. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư có công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, hiện đại phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, cần hết sức chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng, toàn dân. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư sát hợp với thực tế để thực hiện có hiệu quả. Chú trọng các lĩnh vực theo thứ tự ưu tiên: Phát triển du lịch biển, đảo; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản khác; nuôi trồng, khai thác thuỷ hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; phát triển công nghiệp đóng tàu; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới. Tập trung đầu tư có hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị ven biển và hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối vùng đồng bộ làm nền tảng đột phá để phát triển vùng biển, ven biển trở thành điểm đến của thế giới đồng thời là cửa ngõ vươn ra thế giới.
3. Về công tác xây dựng Đảng
Tại Hội nghị lần này, sau khi xem xét các Tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định một số vấn đề quan trọng sau đây:
Một là, thống nhất cao việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trung ương cho rằng, trong những năm qua, nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương cho nên ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác và cuộc sống, tạo được sự chuyển biến tích cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ. Việc thực hiện các chủ trương, quy định về nêu gương của Đảng đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều đồng chí đã có ý thức rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với công việc, được quần chúng yêu mến, tín nhiệm.
Tuy nhiên, những kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt được yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan toả lớn. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống..., gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quy định, cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi; giao cho Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành Quy định. Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Bác Hồ đã dạy: "Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Tuy nhiên, cách viết phải rất trong sáng, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá chúng ta.
Hai là, thống nhất quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Khi xem xét, quyết định thành lập các Tiểu ban, Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị, đồng thời yêu cầu các Tiểu ban cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để sớm đi vào hoạt động. Đặc biệt là Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội cần tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu của Đảng và Nhà nước, chắt lọc, kế thừa các kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây và căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước để đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, với Đại hội XIII của Đảng những chủ trương, chính sách tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và đồng bộ hơn, tạo xung lực mới cho phát triển đất nước nhanh và bền vững, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ba là, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét và quyết định giới thiệu đồng chí Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước khóa XIV; bầu bổ sung 2 đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016; kỷ luật đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng (Theo Quy định số 30, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về hành chính đối với đồng chí Nguyễn Bắc Son và đồng chí Trần Văn Minh bảo đảm đồng bộ, kịp thời, tương ứng với kỷ luật đảng). Việc xem xét, quyết định về công tác cán bộ và thi hành kỷ luật đã được tiến hành rất chặt chẽ, dân chủ, đúng quy định của Đảng với sự thống nhất rất cao của Ban Chấp hành Trung ương.
Thưa các đồng chí,
Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã thành công tốt đẹp. Trong năm 2018 và nửa đầu nhiệm kỳ khóa XII, sự nghiệp phát triển đất nước đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, năm sau tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, bởi vì trước mắt chúng ta vẫn đang có rất nhiều khó khăn, thách thức, vẫn còn nhiều việc lớn, việc khó phải làm và phải làm tốt hơn nữa mới có thể thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Tôi đề nghị từng đồng chí Trung ương, trên cương vị công tác của mình, ngay sau Hội nghị này, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định của Hội nghị, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý IV, cả năm 2018 và các năm tiếp theo.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, hoàn thành tốt trọng trách của mình trước Đảng, nhân dân và đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!