Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghé thăm một cửa hàng bán trà truyền thống. Ảnh: VTV
Ngay sau khi đến Thành phố Hàng Châu, Thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham quan phố cổ Hà Phường, tìm hiểu cuộc sống và sinh hoạt thường ngày của người dân Trung Quốc.
Phố Hà Phường là một trong những con phố cổ nhất và được bảo tồn tốt nhất, thể hiện được diện mạo mang đặc sắc của Hàng Châu trong thời kỳ cuối đời Thanh, đầu thời kỳ Dân quốc với rất nhiều giá trị văn hóa. Trên con phố này, các nhà hàng ẩm thực và cửa hàng với hàng trăm năm tuổi vẫn kinh doanh những mặt hàng cổ truyền như quạt, kéo, tơ lụa, trà, gốm sứ, thuốc bắc. Tổng Bí thư cho rằng, những kinh nghiệm trong việc bảo tồn phố cổ Hà Phường vẫn lưu giữ được những công trình kiến trúc đặc sắc có tính lịch sử chân thực, tính tiếp nối văn hóa và chỉnh thể trong phong cách đã tạo nên một bản sắc riêng thu hút khách du lịch theo phương châm vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển du lịch. Đây là kinh nghiệm hay để Việt Nam tham khảo.
Trên phố cổ Hà Phường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ghé thăm một cửa hàng bán trà truyền thống. Tống Bí thư đã được những người dân địa phương, mà nhiều thế hệ đã gắn bó với nghề bán trà, chia sẻ về lịch sử văn hóa uống trà, nghệ thuật thưởng thức trà. Chè Long Tỉnh là một trong những đặc sản nổi tiếng của Chiết Giang không chỉ ở Trung Quốc, mà nhiều nước trong khu vực châu Á đều biết tới. Uống trà là một nét văn hóa khá tao nhã và đặc sắc từ nghìn đời nay của người dân hai nước Việt - Trung.
Trao đổi với những người dân địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ những quan niệm, phong cách và nghệ thuật uống trà của mỗi vùng miền khác nhau để thấy được sự đa dạng và phong phú trong thưởng thức trà.
Tỉnh Chiết Giang là điển hình của vùng sông nước Giang Nam, được mệnh danh là "thủ phủ của tơ lụa", "quê hương của cá và gạo". Có một điểm nổi bật ở đây là người dân Chiết Giang rất nhạy bén, khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển năng động, là một trong những địa phương giàu có bậc nhất của Trung Quốc. Chiết Giang là địa phương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lãnh đạo trong 5 năm (từ 2002 - 2007) và đây được coi là giai đoạn chuyển mình quan trọng của Chiết Giang, không những tiếp tục phát triển khu vực tư nhân mà còn chuyển hướng sang mô hình kinh doanh sáng tạo. Giai đoạn này cũng là một trong những chặng đường quan trọng nhất trong 40 năm công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Chiết Giang cũng là nơi có nhiều gắn bó văn hóa, lịch sử với Việt Nam. Nhiều nhân sĩ Việt Nam đã từng đến nơi này và tất cả đều có những ấn tượng, cảm xúc rất sâu sắc. Thi hào Nguyễn Du, trên đường đi sứ Trung Quốc, đã sáng tác bài thơ Độc Tiểu thanh ký nổi tiếng về nàng Tiểu Thanh ở Tây Hồ (Hàng Châu). Một số thi sĩ Việt Nam như Huy Cận, Tế Hanh đã đến Hàng Châu, Tây Hồ và sáng tác nhiều bài thơ về Tây Hồ như: Bài thơ tình Hàng Châu (của Tế Hanh), Đến Tây Hồ nhớ Bạch Cư Dị (của Huy Cận).
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng nhiều lần đến thăm Hàng Châu vào các năm 1957, 1966 và đã từng gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông tại đây. Nhiều bức ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn này vẫn được trân trọng lưu giữ.
Gợi nhớ lại những dấu ấn trong lịch sử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, nhân dân hai nước từ lâu đã có sự gần gũi về văn hóa, sự tương đồng về giá trị nhân văn, nhờ đó có thể cảm thông và chia sẻ với nhau. Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian đến thăm Chiết Giang, thăm những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, thể hiện sự trân trọng truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời của nhân dân hai nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!