Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60 km có 1 ngôi làng dường như trẻ em chỉ cần lên 3 đã biết cầm kim, chỉ cần một tay nải trong có cái thước, cái kéo, cái vạch cùng cây kim, sợi chỉ là họ có thể làm được nghề may ở khắp mọi nơi. Đó là làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội - nơi có nghề may áo dài truyền thống khoảng nghìn năm nay. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những điều thú vị về ngôi làng này.
Những người phụ nữ chăm chỉ việc đồng áng. Những người đàn ông lại chuyên tâm với kim chỉ, vải may. Những việc tưởng như "ngược đời" ấy lại diễn ra như một lẽ thường tình ở làng Trạch Xá. Bởi nghề may áo dài truyền thống nơi đây được quy định dành riêng cho những đấng mày râu.
Ngày nay, may vá không còn là công việc phải đi xa nữa nhưng vẫn có gần 90% số người làm nghề may vá trong làng là đàn ông. Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất trong việc giữ gìn bản sắc của làng nghề. Không những vậy, họ còn cùng nhau lưu truyền một bí quyết độc đáo.
Những đường tà áo được khâu tỉ mỉ, đều tăm tắp ví như "trong dán hồ ngoài phô trứng rận" là niềm tự hào của người đàn ông Trạch Xá. Những người nghệ nhân già, họ vẫn ngày ngày truyền trao đi những bí quyết bởi họ tin rằng: Còn gìn giữ được những nét đẹp làng nghề mình là hồn cốt tà áo dài Việt Nam sẽ chẳng bao giờ mất đi.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!