Tranh cãi về cách dạy tiếng Việt theo mô hình thực nghiệm làm nóng dư luận

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/09/2018 09:45 GMT+7

VTV.vn - Đổi mới, thí điểm, thực nghiệm trong giáo dục và sách giáo khoa không chỉ làm nóng dư luận xã hội, mà còn làm nóng phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua.

Trong phiên thảo luận dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cử tri rất phản đối việc sử dụng sách giáo khoa sử dụng một lần, rất lãng phí.

Theo nhiều tờ báo trích dẫn, năm học 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa, nếu chỉ dùng một lần và năm sau không được sử dụng thì chỉ để bán đồng nát. Từ đầu năm học, các chuyên gia giáo dục và báo chí đã lên tiếng mạnh về chuyện lãng phí sách, khi mà mỗi cuốn dường như được biên soạn có chủ đích theo hướng khuyến khích học sinh "dùng một lần rồi bỏ". Dẫn chứng cho việc này là nhiều bài tập được in dưới dạng "điền vào ô trống" để học sinh làm bài và ghi đáp số trực tiếp lên đó, không chỉ lãng phí mà còn để lại hậu quả xấu là khiến học sinh lười nghĩ. Bởi chỉ riêng môn Toán, nếu sách bài tập đều có sẵn phương án để chọn thì học sinh sẽ rất nhanh quên.

Một câu chuyện khác liên quan đến sách giáo khoa cũng rất nóng trên mạng xã hội và các mặt báo, đó là câu chuyện về cuốn sách Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị dư luận chỉ trích.

Về cơ sở khoa học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá hiệu quả triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là khả quan. Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá cuốn sách cơ bản đảm bảo các yêu cầu của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông tiểu học.

Trả lời phỏng vấn tờ Sài Gòn giải phóng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Đức Hữu khẳng định - sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục chọn con đường đi, cách tiếp cận mới, là thiên dạy về ngữ âm. Đây là cách dạy cho học sinh cách nhận diện trực quan nhất, đơn giản nhất, không như một số ý kiến nói rằng nó quá khó cho học sinh, nhất là với lớp 1. Đây cũng là một trong các ưu điểm của sách này.

Vậy lý do nào khiến cuốn sách bị nhiều người sử dụng mạng xã hội "ném đá" dữ dội? Trả lời phỏng vấn tờ Nông nghiệp Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - PGS.TS Phạm Văn Tình - cho hay ông rất ngạc nhiên khi thấy dư luận phản ứng thái quá về quan điểm dạy chữ của GS Hồ Ngọc Đại. Nhiều học sinh học theo phương pháp này vẫn thành tài, tức là phương pháp này không tệ như nhiều người nghĩ.

Giữa "tâm bão", trong một cuộc đối thoại thẳng thắn với các chuyên gia và giới truyền thông, GS Hồ Ngọc Đại cho biết tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tính đến năm học này đã có 49 tỉnh, thành phố triển khai dạy học với gần 800 nghìn học sinh. Như vậy, khoảng gần một nửa học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách của ông. Còn bản quyền sách giáo khoa mà mọi người vẫn hoài nghi rằng ông được hưởng lợi không nhỏ từ nó, thực ra ông đã tặng Bộ Giáo dục và Đào tạo từ lâu.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, với số lượng 49 tỉnh thành và học sinh đang sử dụng tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, có nhiều nhóm làm sách giáo khoa khác bị ảnh hưởng về lợi ích. Những xôn xao, ý kiến về bộ sách này có thể xuất phát từ đó.


Tiêu điểm tuần: Phản hồi về sách Công nghệ giáo dục Tiêu điểm tuần: Phản hồi về sách Công nghệ giáo dục

VTV.vn - Phản hồi về sách Công nghệ giáo dục là một trong những nội dung chính của mục Điểm tuần tuần này của Trung tâm Tin tức VTV24.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước