Trên 1,4 triệu lượt phương tiện vi phạm tốc độ được xử lý

Minh Đức-Thứ hai, ngày 03/09/2018 21:30 GMT+7

VTV.vn - Trong 7 tháng đầu năm 2018, cả nước có tổng số 1.425.562 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,179 lần/1.000km.

Theo báo cáo của Tổng Cục đường bộ Việt Nam, thời gian qua có rất nhiều phương tiện vi phạm đã truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục và được xử lý. Tính riêng tháng 7/2018, bình quân có 67,85% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục và cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm đối với 1.293 xe, trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng đối với 897 xe, từ chối cấp phù hiệu 396 xe, nhắc nhở 2.886 xe.

Được biết, trong 7 tháng đầu năm 2018, các Sở GTVT đã xử lý vi phạm đối với 5.162 phương tiện, trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng 3.810 xe, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 8 đơn vị, từ chối cấp phù hiệu 1.344 xe, nhắc nhở 13.783 xe.

Ngoài ra, về tình hình vi phạm tốc độ xe chạy, 7 tháng đầu năm 2018 này, cả nước có tổng số 1.425.562 lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000km là 0,179 lần/1.000km, tăng 115,66% so với cùng kỳ năm 2017. Tính riêng tháng 7, có 445.583 lần phương tiện vi phạm tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000 km là 0,22 lần/1.000 km tăng 13,99% so với tháng 06/2018.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong nửa đầu năm 2018, toàn quốc đã xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người.

Qua phân tích trên 6.804 vụ tai nạn giao thông đường bộ cho thấy, 26% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 8,77% do vi phạm tốc độ xe chạy; 8,86% do chuyển hướng không chú ý; 6,23% do không nhường đường; 5,97% do vượt xe sai quy định; 7,82% do vi phạm quy trình thao tác lái xe; 2,32% do tránh xe; 4,23% do sử dụng rượu bia… Phần lớn các nguyên nhân gây tai nạn đều liên quan trực tiếp đến các vi phạm giao thông đường bộ.

Để giảm thiểu TNGT, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến hoạt động của xe kinh doanh vận tải, Tổng cục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ và vi phạm thời gian lái xe liên tục và không truyền dữ liệu.

Đối với các trường hợp vi phạm không truyền dữ liệu, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải có báo cáo giải trình cụ thể và kiểm tra tính xác thực trước khi ra quyết định xử lý đồng thời tiếp tục đôn đốc và tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa trên địa bàn về lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe ô tô có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn phải gắn phù hiệu theo quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước