Không đủ điều kiện sử dụng công nghệ, không biết đến công nghệ, ngần ngại mày mò cái mới… là điều trước tiên khiến nhiều người dân, người lao động từ chối những tiện ích góp phần xây dựng đô thị thông minh. Bên cạnh đó, việc hạ tầng thực hiện chưa tới, vẫn còn sử dụng song song giữa cách truyền thống và công nghệ đã góp phần làm người dân có lý do cách xa hơn.
Năm 2017 là năm đầu tiên TP.HCM triển khai xây dựng đô thị thông minh. Ngay từ đầu năm, đa phần quận, huyện, Sở, ngành đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở nhiều lĩnh vực như: cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm, lao động - tiền lương… Tuy nhiên, tỉ lệ người dân đón nhận rất thấp vì dù làm thủ tục trực tuyến, một số thủ tục vẫn phải đến trực tiếp. Theo Sở Nội vụ TP.HCM, năm 2017, số thủ tục hành chính được giải quyết theo mức độ 3 chiếm khoảng 19% , mức độ 4 chỉ chiếm 2,25%. Theo dữ liệu từ hồ sơ chỉ số PAPI, năm 2017, TP.HCM thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp, xếp sau 38 tỉnh thành.
Vì chưa phát huy hiệu quả công nghệ trong cải cách hành chính, năm 2018, TP.HCM đã phải đặt ra chỉ tiêu lọt top 10 địa phương dẫn đầu về chỉ số cách hành chính. Không phủ nhận những thiếu sót về mặt đồng bộ, vận hành hệ thống công nghệ đã làm không ít người dân chưa hài lòng. Hiện TP.HCM đang nỗ lực nghiên cứu, thí điểm, cải thiện trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu chỉ chú tâm vào điều này mà bỏ qua việc phổ biến, nâng cao dân trí, những nỗ lực của chính quyền sẽ rơi vào lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!