Với gần 500 hiện vật khai quật từ những con tàu cổ bị đắm, triển lãm được đánh giá là mang lại nhận thức mới về khoa học khảo cổ, chứng minh tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển Việt Nam trong giao thương quốc tế.
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga - hiện vật độc bản có niên đại từ thế kỉ 15 được khai quật từ độ sâu 70m dưới lòng đại dương. Đây cũng là hiện vật có kích thước lớn nhất và nguyên vẹn nhất trong hàng trăm nghìn cổ vật được khai quật từ một trong số những con tàu đắm tại Cù Lao Chàm. Chiếc bình gốm hoa lam vẽ thiên này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam nhận xét: "Các họa tiết trang trí trên bình rất đẹp, bố cục chặt chẽ. Với những đường vẽ tay của người làm gốm Chu Đậu đã tạo nên một sản phẩm thực sự đặc biệt và tiêu biểu, nó tiêu biểu không chỉ cho gốm Chu Đậu ở thế kỉ 15, mà tiêu biểu cho cả một nền văn hóa gốm của Việt Nam đã sáng tạo nên".
Bình gốm này chính là một trong 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15-18, thời kì đỉnh cao của gốm Việt, khi mà chỉ có 4 quốc gia trên thế giới có thể làm được gốm hoa lam, trong đó có Việt Nam.
Những hiện vật được trưng bày tại buổi triển lãm từng là hàng hóa trên các thuyền buôn cổ được phát hiện tại vùng Biển Đông, Việt Nam. Đây được coi là những minh chứng rõ ràng khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trong giao thương quốc tế ở thời kỳ hoàng kim của "con đường tơ lụa" trên biển.
Trong 500 hiện vật được trưng bày lần này, ngoài những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam, còn có những hiện vật có xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan. 500 hiện vật này đã từng được triển lãm tại Hàn Quốc từ tháng 11/2017 đến tháng 4/2018, được các nhà nghiên cứu và công chúng Hàn Quốc đón nhận và quan tâm. Tại Việt Nam, Triển lãm "Bí mật đại dương từ những con tàu cổ" sẽ diễn ra đến hết ngày 18/5/2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!