Ngày 31/12/2019 là thời hạn mà Thủ tướng Chính phủ giao các trạm thu phí đường bộ trên cả nước phải có cửa thu phí không dừng. Tuy nhiên, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới thời hạn này, đơn vị lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC đã bất ngờ đề nghị được dừng dự án.
Theo phản ánh của các báo trong tuần qua, công ty TNHH thu phí tự động VETC, đơn vị đang lắp đặt thu phí không dừng tại 44 trạm trên quốc lộ và đường cao tốc, đã đưa ra lý do cho việc dừng đột ngột này bởi các nhà đầu tư ở các dự án đường BOT không chịu bàn giao trạm thu phí và số lượng phương tiện dán thẻ thu phí không dừng mới chỉ đạt 10%. Sau 5 năm triển khai dự án, cho đến bây giờ vẫn còn 33 trạm BOT, điều đó đồng nghĩ là 75% chưa bàn giao trạm để triển khai thu phí không dừng. Tại sao có sự chần chừ bàn giao trạm như vậy?
Các nhà đầu tư BOT đều sẵn sàng chấp hành chủ trương của Chính phủ, tuy nhiên việc VETC yêu cầu họ bàn giao trạm để quản lý là vô lý. Không những vậy, VETC chỉ cài đặt ứng dụng để triển khai công nghệ nhưng buộc nhà đầu tư phải trích 2% doanh thu tại trạm là không có cơ sở. Đó cũng là một nguyên nhân cần xem xét, lưu ý. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là nếu có những khúc mắc như thế thì các cơ quan chức năng phải là người đứng ra giải quyết. Nguy cơ vỡ kế hoạch này, ai chịu trách nhiệm? Tờ Nông thôn ngày nay đã đặt câu hỏi này trên trang nhất.
Trên tờ Giáo dục và thời đại, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng theo lộ trình đã đặt ra, Bộ Giao thông Vận tải phải chỉ đạo, điều hành và có cơ chế phù hợp để thực hiện. Để xảy ra tình trạng này là do các cơ quan chức năng chưa làm tròn vai. Ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng điều hành không khó, có muốn làm hay không mà thôi.
Một lý do khác khiến Công ty VETC muốn dừng dự án là bởi cho đến ngày 30/9 năm nay, lỗ lũy kế của công ty này đã lên đến 300 tỷ đồng. Dự kiến là kể cả hết năm 2020 triển khai được 36 trạm thu, doanh nghiệp vẫn lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỷ đồng.
Nhiều tờ báo trong tuần đã có bài bình luận về động thái này của VETC. Nếu gọi như tờ Thanh niên thì đây là kiểu kinh doanh ngược đời. Bởi lẽ, thời buổi kinh tế thị trường, doanh nghiệp ký hợp đồng thực hiện dự án thì tự vận hành, tự kinh doanh và lời ăn lỗ chịu. Doanh số không tăng thì phải tiết giảm chi phí, quản trị bộ máy, mở rộng đối tác… Không thể có chuyện lời thì hưởng, khó thì đòi chia sẻ, lỗ thì trả lại Nhà nước chịu. Đây là chuyện không thể chấp nhận để tạo ra ngoại lệ không tốt cho thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!