Từ vụ nước sạch sông Đà, sông Đuống: Dấu hỏi về an ninh nguồn nước?

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 24/11/2019 09:32 GMT+7

VTV.vn - Sau bê bối nước sạch sông Đà nhiễm dầu khiến dân cư khốn đốn, nay dư luận lại tiếp tục dành nhiều sự chú ý lại đến những lùm xùm giá nước sạch của nhà máy nước sông Đuống.

Nhìn trên các mặt báo, một điểm chung lớn nhất mà các tờ báo cùng chia sẻ về vấn đề nói trên, đó là cần có một khung pháp lý chắc chắn hơn đối với mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh, phân phối nước sạch. Một lĩnh vực quan trọng nhưng được cho là vẫn còn đó rất nhiều khe hở.

Như tờ Tiền phong đã đặt vấn đề về minh bạch trong các dự án nước sạch. Sau những sự cố vừa qua cả về giá cả và chất lượng, theo tờ báo này cần phải xem lại vấn đề kinh doanh, cung cấp nước sạch. Trong lĩnh vực này, có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, vậy tại sao không qua đấu thầu để chọn nhà đầu tư có giá thành phù hợp. Thêm nữa, cần công khai minh bạch để khẳng định việc không có lợi ích nhóm, không có chuyện sân trước, sân sau.

Từ vụ nước sạch sông Đà, sông Đuống: Dấu hỏi về an ninh nguồn nước? - Ảnh 1.

Không chỉ đấu thầu để tăng tính minh bạch, một vấn đề mà báo chí băn khoăn là liệu có nên đặt ra điều kiện cho việc kinh doanh nước sạch không? Vì nước sạch, nếu có vấn đề gì sẽ gây ảnh hưởng trên một diện rộng và hậu quả là khó có thể tưởng tượng nổi. Hiện tại, sau một vài sự cố vừa qua thì lòng tin của người dân, quả thật đã không còn như trước nữa, đã mất mát đi ít nhiều.

Báo Lao động đưa ra khảo sát cho biết là tại huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội, nhiều gia đình sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước sông Đuống trong một tâm trạng khá e dè. Dù được quảng bá là nước dùng tận vòi nhưng mọi người trong gia đình chủ yếu vấn uống nước qua đun nấu chứ không dám dùng trực tiếp.

Từ vụ nước sạch sông Đà, sông Đuống: Dấu hỏi về an ninh nguồn nước? - Ảnh 2.

Cũng liên quan đến vấn đề kinh doanh nước sạch, tờ Thanh niên nêu ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đó là kinh doanh nước sạch phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro sức khỏe người tiêu dùng nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành nước đang cổ phần hóa và quy định ràng buộc trách nhiệm địa phương đối với các đơn vị cấp nước chưa chặt chẽ như hiện nay

Trong một góc nhìn khác, tờ Tiền Phong trích dẫn phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhường trước Quốc hội là cần có cơ chế kiểm soát, tránh tình trạng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nước sạch "tay không bắt giặc", các dự án chạy lòng vòng. Cần xem nhà đầu tư có phải làm dự án kinh doanh, phục vụ nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không, hay chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt rủi ro có thể đến với nhân dân hay không?

Liên quan tới việc nhà đầu tư Thái Lan thâu tóm 34% cổ phần Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống, đã có những lo ngại về an ninh nguồn nước sinh hoạt, và do đó thì cần xem xét lại điều kiện kinh doanh đối với lĩnh vực này, đặc biệt là khi Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đầu tư sửa đổi.

Trên tờ Người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu cũng kiến nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư lần này cần rà soát chặt chẽ và luật hóa các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch. Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý nhà nước, rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố.

Từ vụ nước sạch sông Đà, sông Đuống: Dấu hỏi về an ninh nguồn nước? - Ảnh 3.

Còn tờ Nông thôn ngày nay dẫn lời đại biểu Hồ Thanh Bình của đoàn An Giang cho rằng nếu quan niệm sản xuất và cấp nước sạch là một vấn đề an ninh thì nên thống nhất việc coi đây là một ngành, nghề có điều kiện.

Và trong khi Luật Đầu tư vẫn còn đang được thảo luận, cho ý kiến, thì nhiều ý kiến cho rằng, cần quy hoạch tổng thể nguồn nước mặt trên các con sông, khoanh vùng và cách ly diện tích nước mặt dùng làm nguyên liệu sản xuất nước sạch. Di dời các tuyến giao thông đường thủy khỏi vùng nước nguyên liệu.

Nói thêm về vấn đề an ninh nguồn nước, tờ Đại đoàn kết cho rằng phải đổi mới công nghệ kiểm tra chất lượng nước để kiểm tra liên tục hàm lượng một số loại hóa chất độc trong nước trước khi đưa vào nhà máy. Đồng thời, phải lập ra cơ quan độc lập chuyên trách việc kiểm định chất lượng nước đầu ra trước khi cấp cho người dân sử dụng chứ không thể tù mù, qua quýt được trong khi đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Và trong những diễn biến mới nhất, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết giá bán doanh nghiệp đưa ra chỉ là tạm tính để vay vốn ngân hàng và thành phố Hà Nội sẽ thuê tư vấn độc lập tính giá thành nước sạch sông Đuống. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết thành phố đang tính toán, có lộ trình hạn chế khai thác nước ngầm, tiến tới bỏ khai thác vì lo ngại về ô nhiễm môi trường và sụt lún.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, thành phố chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sông Đuống và chắc chắn không bao giờ bù.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước