Bức xúc giá nước sạch sông Đuống: Ai có quyền định giá?

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 17/11/2019 10:15 GMT+7

VTV.vn - Thông tin TP Hà Nội chấp thuận bán giá nước sạch của Nhà máy sông Đuống tối đa là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm đã gây "bão" trong dư luận tuần qua.

Những ngày qua, vụ việc được nhiều người dân Hà Nội bàn tán chính là giá nước sạch sinh hoạt. Thông tin thành phố chấp thuận bán giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm đã gây bão trong dư luận, do mức giá này cao hơn nhiều so với giá của Nhà máy nước sông Đà.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà giải thích rằng giá bán nước của các nhà máy trên địa bàn Hà Nội chênh nhau lớn là vì công nghệ nhà máy khác nhau, dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Cụ thể, Nhà máy nước sông Đà đưa vào khai thác từ 10 năm trước, chi phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, còn Nhà máy nước mặt sông Đuống đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn nước đầu vào của sông Đuống phải xử lý bùn thải nhiều hơn, chi phí lớn hơn. Ngoài ra công ty nước sạch sông Đuống phải đi vay tới 80%, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là hơn 2.000 đồng/m3 nước.

Trả lời báo chí vào chiều 15/11, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch thành phố Hà Nội - cho biết, đến thời điểm này Hà Nội chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống và chắc chắc là không bao giờ bù giá cho đơn vị này. Tuy nhiên, tờ Tiền Phong đặt ra câu hỏi lớn là Hà Nội có bị "hớ" khi chọn nhà đầu tư hay không?

Tờ Tuổi trẻ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề định giá nước này, khi dành tới 4 số báo liên tiếp viết về câu chuyện "giá nước cõng lãi vay nghìn tỷ". Tờ này trích ý kiến của ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, việc Hà Nội quyết giá bán buôn cho Nhà máy nước sông Đuống là sai thẩm quyền, trái nguyên tắc.

Liên quan đến thông tin Hà Nội sẽ phải bù giá cho Nhà máy nước mặt sông Đuống theo thỏa thuận khi đưa ra chủ trương đầu tư, ông Nguyễn Tiến Thỏa đặt câu hỏi rằng chính quyền dùng tiền ở đâu để bù nếu không phải là tiền thuế.

Ở số báo thứ 2, tờ Tuổi trẻ tiếp tục đặt các câu hỏi: Ai có quyền định giá nước sạch? Tính lãi vay vào giá nước có hợp lý hay không? Tính mức bù giá khi dự án chưa vận hành liệu có hợp lý?

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, điểm sai ở đây là chính quyền thành phố đã định giá bán buôn nước sạch sông Đuống thay cho các doanh nghiệp. Ông Trần Quang Hưng - Tổng thư ký Hội cấp nước Việt Nam - bình luận, chuyện quản lý nước sạch của Hà Nội rất bất ổn. Cấp nước sạch luôn xác định là dịch vụ công. Về nguyên tắc, cấp nước phải do một đầu mối quản lý, phân phối tới người dân. Không thể để quá nhiều đầu mối phân phối, mỗi nơi mỗi kiểu. Việc đưa ra giá nước cao để thu hút đầu tư là không đúng.

Theo quy luật, có thêm nhà đầu tư tham gia, thêm nguồn cung, giá nước sẽ giảm xuống. Nhưng trong trường hợp này, giá nước bị đẩy lên cao. Tờ Tuổi trẻ tiếp tục chủ đề này với bài bình luận có tiêu đề "Nước sạch, sai một ly, đi nhiều dặm". Lo nước sạch cho người dân không chỉ xây thêm nhiều nhà máy, mà quan trọng là phải có các cơ chế điều tiết để đảm bảo nước sạch đến tay người tiêu dùng không phải cõng quá nhiều khoản. Mọi tính toán, dù chỉ sai một ly cũng có thể đi nhiều dặm, mà ở đó, chịu thiệt chính là người dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước