TP.HCM vừa tạm dừng triển khai tuyến xe bus nhanh BRT đầu tiên bởi cho rằng vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả vận chuyển sẽ không tương xứng. Thay vào đó là tuyến bus chất lượng cao cho người dân thành phố.
Tại Hà Nội, tuyến BRT đầu tiên đã vận hành được 8 tháng với kỳ vọng là một cú hích, khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng nhiều hơn và góp phần giảm tải ùn tắc. Thực tế, hiệu quả của BRT Hà Nội như thế nào sau 8 tháng hoạt động?
Theo ghi nhận của phóng viên trên một chuyến xe bus, 7h sáng, xe bus BRT đi từ Kim Mã về Lê Văn Lương qua 2 nhà chờ có 20 khách trên xe. Đây là giờ cao điểm nhưng không nhiều khách, do buổi sáng người dân đi từ ngoại thành vào nội thành nhiều hơn.
Vào 7h30, hướng ngược lại từ Lê Văn Lương về Kim Mã, hành khách phải chen chúc để có một chỗ đứng.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, vào giờ cao điểm, có những chuyến xe chở tới 110 - 115 hành khách, trong khi theo quy định năng lực chứa của xe là 90 hành khách.
BRT được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đặc quyền có làn riêng chiếm 1/3 tuyến đường. Thế nhưng, theo một số người dân và chuyên gia, hiệu quả thực sự chưa tương xứng với sự đầu tư và ưu tiên của toàn xã hội.
Hiện tại, công suất của BRT Hà Nội mới đạt 13.000 khách trong một ngày, thấp hơn nhiều lần so với trung bình của thế giới. Giờ cao điểm, cứ 5 phút có 1 chuyến BRT chở theo hơn 100 khách. Trong khi ở làn bên cạnh, có gấp nhiều lần người dân đang di chuyển. Phương tiện của họ phải đóng đủ loại thuế phí, có quyền đi lại bình đẳng trên các tuyến đường nhưng lại phải chen chúc để nhường 1/3 đường cho BRT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!