Báo Hà Nội mới cho biết, muốn mua bánh mứt kẹo bốn không – nghĩa là không bao bì, nhãn mác; không mã vạch; không hạn sử dụng; không nguồn gốc xuất xứ còn dễ hơn mua rau. Dù được quảng cáo là hàng nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản nhưng trên thực tế thì bánh kẹo này chẳng biết sản xuất từ đâu.
Dùng bức ảnh của những thứ bánh mứt kẹo màu mè, tờ Giáo dục và thời đại cho biết nguyên liệu sản xuất các mặt hàng này thường không bảo đảm yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng phẩm màu công nghiệp, đường hóa học, và cả những chất bảo quản không được phép sử dụng. Do vậy, ăn vào mà không ngộ độc mới là chuyện lạ.
Ngoài bánh kẹo, nỗi lo về thực phẩm cũng khiến người dân đau đầu. Tại một số chợ của thành phố Hồ Chí Minh, đã có tình trạng người dân mang thịt lợn chết do bệnh, thịt lợn không có nguồn gốc tới bán. Và số lượng đã lên tới hàng tấn.
Báo Nông nghiệp Việt Nam khiến người đọc rùng mình với thông tin nhiều người dùng chất tẩy rửa công nghiệp, hóa chất độc hại để xử lý thịt lợn bệnh rồi sau đó chế biến thành nem chua, lạp xưởng.
Báo Đại đoàn kết nhận định, điều đáng lo ngại ở đây, đó là việc xử lý vi phạm vẫn còn lỏng tay. Hay nói cách khác, việ xử lý vẫn trong tình trạng giơ cao đánh khẽ. Mức phạt được quy định là khá thấp, và nhiều cơ sở vi phạm chỉ bị nhắc nhở thì rõ ràng là không có tính răn đe. Vi phạm lại nối tiếp vi phạm.
Không chỉ an toàn thực phẩm. Cứ Tết đến là người dân còn đối mặt với nỗi lo giao thông. Đường rất đông và nguy cơ tai nạn là rất lớn.
Lượng phương tiện tăng cao vào dịp Tết đã gây ra ùn tắc. Và góp phần gây ra ùn tắc, nguy hiểm đối với người dân, không thể không nhắc tới tình trạng xe dù, bến cóc nhộn nhịp vào dịp Tết. Việc xử lý khá khó khăn vì các nhà xe luôn có những biện pháp để đối phó với lực lượng thanh tra gia thông. Chính vì thế mà hành khách, nhiều người đã tìm đến các bến cóc nằm rải rác trong thành phố nơi mà mua vé không phải xếp hàng, và giá có thể thỏa thuận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!