Hiện mạng đường sắt quốc gia Việt Nam có tổng chiều dài 3.143km, với 2.531km đường chính tuyến, 612km đường ga và đường nhánh nhưng đã lạc hậu do được xây dựng từ lâu. Từ năm 1975 đến nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng mới tuyến đường sắt xuống cảng Cửa Lò nhưng đã dừng hoạt động; tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đang bị đình hoãn, còn lại không có tuyến đường sắt mới nào được đầu tư trọn vẹn.
Trong khi đó, đường nhánh kết nối với cảng biển nhiều nơi bị dỡ bỏ, kết nối kém. Giao cắt đường sắt và đường bộ trên các tuyến dày đặc với trung bình 0,5km có một giao cắt với đường bộ. Tuyến đường sắt Bắc - Nam còn những nút thắt ảnh hưởng đến năng lực thông qua như cầu yếu, hầm Hải Vân, hầm Khe Nét… Hành lang an toàn đường sắt nhiều đoạn bị xâm phạm nghiêm trọng, toàn mạng lưới có khoảng hơn 6.000 đường ngang, lối dân sinh qua đường sắt.
Nhận thức được những hạn chế và khó khăn của ngành Đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT, kiêm phụ trách HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ: "Vốn cho duy tu đường sắt hàng năm dao động khoảng từ 1.700 – 2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu. Mức đầu tư như vậy chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng vốn đầu tư cho GTVT". Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng kiến nghị Chính phủ ưu tiên vốn trung hạn cho các dự án tháo nút thắt về hạ tầng đường sắt, dự án về hành lang, đường gom an toàn đường sắt, ưu đãi cho đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ ba từ phải sang) cùng các lãnh đạo TCT Đường sắt Việt Nam chỉ ra nguyên nhân ngành Đường sắt lạc hậu và hướng khắc phục. Ảnh: CTV
Cùng với đó, ông Vũ Tá Tùng - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa ra một số mặt hạn chế về kết cấu hạ tầng đường sắt như: bình diện hạn chế, độ dốc dọc lớn, cầu yếu, hầm yếu... là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao tải trọng, tốc độ chạy tàu, năng lực thông qua và năng lực chuyên chở trên các tuyến.
Thị phần vận tải đường sắt thấp và ngày càng có dấu hiệu suy giảm. Vận tải hành khách, với các tuyến ngắn thì không cạnh tranh được với đường bộ, các tuyến đường dài thì khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ.
Nếu khối lượng vận chuyển của đường sắt năm 1995 chiếm 11,7% tổng lượng luân chuyển hành khách và chiếm 7,9% tổng lượng luân chuyển hàng hóa toàn ngành GTVT, thì những năm gần đây, thị phần vận tải đường sắt sụt giảm lớn. Lượng luân chuyển hành khách chỉ đạt 3,2% tổng lượng luân chuyển hành khách và lượng luân chuyển hàng hóa chỉ đạt 1,9% tổng lượng luân chuyển hàng hoá toàn ngành GTVT vào năm 2014.
Tỷ trọng vốn đầu tư cho đường sắt rất thấp so với toàn ngành GTVT, giai đoạn 2011-2015 chỉ chiếm 2,3%. Các nguồn vốn đầu tư chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp mạng đường sắt hiện có, vốn đầu tư phát triển các tuyến mới rất ít. Quy mô đầu tư nhỏ, đan xen, không có tác dụng làm thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng của đường sắt Việt Nam.
"Năng lực hạ tầng được nâng cao sẽ nâng được số đôi tàu trên tuyến, góp phần giảm chi phí điều hành, giảm giá thành vận tải để tăng cạnh tranh. Vấn đề mấu chốt để tăng tốc độ tàu tuyến đường sắt Bắc – Nam là phải giải quyết được vấn đề nâng cấp hạ tầng đường sắt với tổng chi phí khoảng 1,8 tỷ USD", ông Vũ Tá Tùng nhấn mạnh.
Các tuyến đường sắt ngắn không cạnh tranh được với đường bộ, các tuyến đường dài lại khó cạnh tranh với hàng không giá rẻ.
Sau khi lắng nghe báo cáo từ các lãnh đạo ngành Đường sắt, chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ngành đường sắt đang phải đối mặt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Vấn đề rất quan trọng là vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt. Nhưng nguồn lực đầu tư cho đầu tư phát triển đường sắt hạn chế trong khi xã hội hóa đường sắt rất khó khăn, rất khó thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đây là nguyên nhân chính cản trở phát triển đường sắt, hiện đại hóa đường sắt".
Về nguồn vốn đầu tư cho phát triển đường sắt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cùng Bộ GTVT tìm nguồn vốn để từng bước thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng đường sắt hiện có.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định, Đường sắt Việt Nam đang đứng trước thách thức rất to lớn, đó là hạ tầng rất lạc hậu, thị phần thấp; Mạng lưới đường sắt chưa kết nối được với các khu kinh tế mới, khu công nghiệp, nhất là các cảng biển nên chưa tăng được sản lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!