Việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay chưa đủ để thực hiện mục tiêu mà các quốc gia hướng tới, thể hiện thông qua Thỏa thuận chung Paris. Và khi tình trạng biến đổi khí hậu tiếp tục trở nên trầm trọng, những nước dễ bị tổn thương như Việt Nam sẽ phải hứng chịu nhiều tổn thất. Đây là khuyến cáo được đưa ra tại Diễn đàn Hà Nội 2018 - Hướng tới phát triển bền vững. Sự kiện thu hút lãnh đạo quốc tế, các nhà khoa học, diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước tham dự. Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị chủ trì.
Sạt lở, triều cường, các hiện tượng thời tiết cực đoan đe dọa an ninh lương thực, an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Ngay trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc diễn đàn, bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc chương trình phát triển Liên Hợp Quốc khẳng định, hiện nay nhiều nền kinh tế vẫn vận hành theo hướng khiến nhiệt độ Trái đất tăng lên hơn 3oC, thay vì giữ mức dưới 2oC như thỏa thuận chung. Nếu tình trạng này tiếp diễn, sẽ gây thảm họa lớn cho thế giới. Chính vì vậy, việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu cần phải được các nước dễ tổn thương như Việt Nam và New Zealand chuẩn bị một cách chủ động.
GS Mai Trọng Nhuận từ Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã sớm có chiến lược tầm quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu. Vấn đề là triển khai thành những hành động cụ thể và hiệu quả.
Diễn đàn Hà Nội 2018 hướng tới phát triển bền vững là sáng kiến của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhằm đưa ra các nghiên cứu mới nhất liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình của các nước tham dự, các giải pháp tiên tiến để xây dựng một xã hội hài hòa, phát thải carbon thấp và thích ứng tốt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!