Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington DC của Mỹ bình luận rằng: Hành động của Bắc Kinh là nhằm thử thách sức chịu đựng của Việt Nam, những nước láng giềng ở ASEAN cũng như Washington. Bắc Kinh cũng có thể đang cố chớp lấy thời cơ này để thay đổi đáng kể những thực tế ở Biển Đông, khi mà họ cho rằng Washington đang tập trung vào những vấn đề khác. Nhưng trên thực tế, Mỹ đang lo ngại sâu sắc về
hành động của Trung Quốc.
Ông Greg Poling, Chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, CSIS nói: “Rõ ràng Mỹ cho rằng những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không những đe dọa sự an toàn của khu vực, mà còn đe dọa tới sự nghiêm minh của luật lệ quốc tế về biển. Đa phần tất cả những quốc gia lớn trên thế giới đều kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”.
‘ Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: VNN
Còn với những chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu Stimson, luận điểm mạnh nhất chống lại những hành động của Trung Quốc chính là việc nước này đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Ông Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson cho rằng: “Trung Quốc lý luận rằng, họ có cái gọi là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong đó đảo Tri Tôn, một đảo trong cả quần đảo đó, có vị trí gần nhất với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Từ đó họ mới cho rằng họ có quyền đưa giàn khoan vào vùng nước kề cận đảo đó. Nhưng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, một đảo nhỏ như vậy không thể tuyên bố chủ quyền đối với vùng nước kề cận”.
Hơn nữa, Trung Quốc dựa vào tuyên bố không hề có căn cứ pháp lý về “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” để chiếm tới 85% diện tích ở Biển Đông. Theo chuyên gia của CSIS, đây là một tuyên bố không những mơ hồ mà còn rất phi thực tế.
Bà Bonnie Glaser, Chuyên gia về châu Á, CSIS nhận xét: “Trung Quốc không trả lời được câu hỏi về tính hợp pháp của tuyên bố về đường chín đoạn, điều này làm quốc tế nghi ngờ về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tôi hy vọng rằng dưới sức ép của cộng đồng thế giới, ví dụ như khi Việt Nam đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế, Trung Quốc bắt buộc phải giải thích về các yêu sách vô căn cứ của mình, kể cả nếu họ không chấp nhận vụ kiện. Và lúc đó thì ít nhất chúng ta cũng có cái để mà thảo luận ở tòa”.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, Philippines cũng đã đệ trình lên Tòa án quốc tế hồ sơ bao gồm gần 4000 trang tài liệu cho thấy bằng chứng chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cho biết sẽ không tham gia vụ kiện, tuy nhiên theo cả ba chuyên gia vừa rồi, Việt Nam cần tận dụng cơ sở pháp lý, cái mà Trung Quốc không thể có để bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của mình ở Biển Đông.