Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp nói chung vì mục tiêu tăng khả năng sản xuất, chế tạo trong nước, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài và hạn chế nhập siêu. Về cơ chế chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 năm 2012 về cơ chế chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, căn cứ vào yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch về phát triển công nghiệp hỗ trợ, được phê duyệt ngày 8/10/2014. Gần đây nhất là ngày 3/11, sau những nỗ lực cố gắng của các bộ, các ngành, Thủ tướng Chính phủ đã xem xét và ký Nghị định số 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Về việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết Việt Nam đã nâng giá trị gia tăng của sản xuất trong nước ở lĩnh vực công nghiệp trong những năm qua. Ví dụ, ngành dệt may đã nâng tỷ trọng giá trị sản xuất trong nước từ 10 - 20% trước đây lên tới khoảng 50% vào thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp da giày đã nâng từ 20% lên tới 65%. Những lĩnh vực sản xuất khác như công nghiệp xi măng, xây dựng nhà máy nhiệt điện, tỷ lệ Việt Nam tự sản xuất đã tăng lên nhiều. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang từng bước phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, riêng với ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, chỉ đạt khoảng 10 - 15%. Tuy nhiên, đối với xe chở khách và xe tải dưới 5 tấn, Việt Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%, thậm chí tới 85%.
Trong vận động hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương đã đề nghị với Chính phủ Nhật giúp đỡ ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Phía Nhật Bản đã triển khai một số công việc, trong đó có hoạt động tổ chức các hội chợ triển lãm giới thiệu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam hàng năm.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Việt Nam và Hàn Quốc vừa qua đã khai trương dự án Vườn ươm công nghệ công nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ chuyển giao 100 công nghệ về cơ khí, chế tạo trong lĩnh vực thủy sản, máy nông nghiệp, chế biến nông sản và công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam.
Bên cạnh những bước đầu thuận lợi, hạn chế và yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn tồn tại, cần được khắc phục trong thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!