Toàn cảnh phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong lúc đại dịch viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 gây ra đang diễn biến xấu rất nhanh ở châu Âu và nhiều nước, Việt Nam không thể bỏ lỡ thời điểm vàng để ngăn chặn những người mắc bệnh vào Việt Nam, cũng như cần có khuyến cáo mạnh hơn cho các gia đình trong việc phòng chống dịch bệnh.
Đến chiều nay, đã có 170.000 người ở 158 quốc gia và vùng lãnh thổ mắc COVID-19. Ngoài Trung Quốc, 12 quốc gia có trên 1.000 người mắc bệnh. Đáng lo ngại, tình hình lây lan của dịch bệnh hiện nay ở nhiều nước châu Âu đang xấu đi rất nhanh. Trong đó, Italy có tới 368 người tử vong trong ngày Chủ nhật. Còn trên thế giới đã có trên 6.500 người tử vong, trong đó, số người tử vong ở các nước chiếm hơn một nửa và lớn hơn số người tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc. Trong đó, Italy đã có hơn 1.800 người tử vong, Iran hơn 720, tiếp đó là Tây Ban Nha, Pháp và Hàn Quốc. Ở Đông Nam Á, Malaysia có nhiều người mắc nhất; Philippines cũng đã có 140 người mắc, 12 người tử vong.
Những ngày qua, nhiều nước, như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Hoa Kỳ, Australia và Singapore đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh nhất từ trước tới nay, trong đó đóng cửa các địa điểm công cộng, ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự bùng nổ của dịch.
Lãnh đạo một số bộ đề nghị Chính phủ cần coi giai đoạn này như thời chiến, nhằm ngăn chặn dứt khoát hơn những người nhiễm SARS-CoV-2 vào Việt Nam. Vì hiện trong số 41 bệnh nhân đang được điều trị, có tới 17 người nước ngoài vào Việt Nam du lịch và hàng ngày vẫn có rất nhiều người từ các nước châu Âu nhập cảnh vào Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là thời điểm vàng trong việc phòng chống dịch thông qua phân loại người nhập cảnh vào Việt Nam để cách ly y tế. Vì vậy, Thủ tướng đã phải hết sức khó khăn khi đưa ra một số quyết định, trong đó sẽ tạm dừng cấp thị thực nhập cảnh đối với tất cả các công dân đến từ các nước có dịch, trừ một số trường hợp đặc biệt, nhằm hạn chế hiệu quả dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xâm nhập vào Việt Nam và lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ và lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm việc hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch hạ cánh ở các sân bay Việt Nam, khi đã hạ cánh phải được bảo đảm cách ly an toàn. Những người nước ngoài đến Việt Nam, dù bất cứ ai cũng phải được sàng lọc ngay trên máy bay để không bị ùn tắc ở các sân bay khi làm thủ tục. Tại sân bay, các lực lượng thực thi nhiệm vụ phải có trách nhiệm kiểm soát sức khỏe mọi hành khách theo đúng quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Bộ Quốc phòng và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung, cùng với cách ly tại gia đình và cách ly theo nhóm kịp thời, đúng thời gian, giám sát chặt chẽ tất cả mọi người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài trở về. Cùng với đánh giá cao các lực lượng quân đội đang thực hiện cách ly 20.000 người, trong tổng số gần 43.000 người được cách ly y tế, Thủ tướng chính thức giao Tư lệnh các Quân khu điều hành việc cách ly những người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch, còn Bộ Quốc phòng chuẩn bị thêm các điểm đóng quân và đơn vị để có thể tiếp tục đón nhận thêm người cách ly trong những ngày tới. Thủ tướng cũng tiếp tục giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành và ngành du lịch chuẩn bị các địa điểm để có thể đón tiếp người được cách ly y tế.
Ở thời điểm vàng của công tác phòng chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan báo chí tăng cường truyền thông để mọi người dân nâng cao kiến thức và có kỹ năng trong phòng chống COVID-19; đồng thời lên án những người có hành vi kỳ thị người mắc COVID-19 hoặc đưa thông tin sai sự thật, không trung thực trong khai báo y tế. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những hành vi này.
Thủ tướng cũng yêu cầu, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cấp, ngành y tế phải lưu ý yếu tố dịch tễ học ở Trung Quốc cho thấy, 70% ca lây nhiễm là các thành viên trong gia đình; vì vậy cần khuyến cáo mạnh mẽ hơn để các gia đình chủ động phòng, chống lây lan COVID-19 khi có người có yếu tố nguy cơ cao. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của phường, xã, tổ dân phố trong việc hỗ trợ các gia đình khi có người có nguy cơ cao để quản lý, giám sát y tế.
Thủ tướng cũng cho biết dịch tễ học cũng cho thấy người có bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường có nguy cơ tử vong cao, trong khi nhiều người Việt Nam không biết bệnh của mình. Do đó các cơ sở y tế cần khuyến cáo người trung và cao tuổi đi khám, chữa bệnh, khám sức khỏe, đặc biệt là kê khai y tế điện tử tự nguyện.
Thủ tướng nhấn mạnh, xét nghiệm là biện pháp quan trọng ban đầu để kiểm soát virus. Vì thế các biện pháp xét nghiệm cần phải được triển khai rộng rãi, trong đó, cần chú ý hơn các đối tượng yếu thế trong xã hội sống tập trung, nhưng lại e ngại đi khám như lao động ngoại tỉnh, sinh viên sau khi đi học lại.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch được Thủ tướng giao xem xét cụ thể mức tăng tiền hỗ trợ cho người cách ly y tế, cũng như cho người tham gia chống dịch; nhất là bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh và các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp phục vụ việc cách ly y tế trên tinh thần không để những người này làm việc quá vất vả nhưng tiền hỗ trợ quá thấp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn và đánh giá cao các doanh nghiệp và nhà hảo tâm ở trong nước đã ủng hộ tài chính để cùng nhà nước phòng chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động và đứng ra tiếp nhận mọi hỗ trợ để bàn giao cho Bộ Y tế mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế theo phương thức chỉ định thầu với giá thị trường.
Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác xác định giá các loại vật tư, trang thiết bị này công khai, minh bạch trong từng thời điểm để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Cuối cùng, Thủ tướng đã quyết định giao các địa phương và Bộ Y tế thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về việc thông báo tình hình dịch bệnh ở các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!