Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về phát triển con người được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
“Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại về giảm nghèo” - Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã nhận định như vậy tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây tại Hà Nội. Thay mặt cho tổ chức quốc tế duy nhất phát biểu tại hội nghị, ông Đào Xuân Lai chúc mừng Việt Nam tiếp tục đạt thành tựu về tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 7%, cao hơn so với mục tiêu.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục thu được thành tựu quan trọng về phát triển con người, có Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 118, chỉ thiếu 0,007 điểm là thuộc nhóm Phát triển con người cao trong khi Việt Nam hiện vừa thoát nghèo để gia nhập các quốc gia có thu nhập trung bình trong thời gian chưa lâu; và xếp hạng cao về thu hút đầu tư, đứng thứ 8 trong số các nước đáng đầu tư nhất, vượt 23 bậc so với năm 2018.
“Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo và đạt được mức thu nhập trung bình thấp từ năm 2010, sau 25 năm nhờ công cuộc đổi mới” - vị Trợ lý Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhìn nhận. Ghi nhận thể hiện sự đánh giá cao của vị đại diện tổ chức chuyên trách về phát triển và xóa đói giảm nghèo của Liên hợp quốc đối với những nỗ lực bền bỉ nhằm giảm nghèo, phát triển con người của Việt Nam suốt hàng chục năm qua.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, trong quá trình xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, chúng ta luôn coi trọng và dành ưu tiên cho yếu tố con người, trước hết là cải thiện đời sống nhân dân. Có thể nói, mọi chủ trương, chính sách, mục tiêu và kế hoạch phát triển đất nước sau chiến tranh đều lấy con người làm trung tâm.
Những chủ trương, chính sách lấy con người làm trung tâm phát triển mà Việt Nam kiên trì theo đuổi với quyết tâm và nỗ lực cao độ đã mang tới “trái ngọt” khi cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện. Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới có tốc độ xóa đói giảm nghèo, gia tăng các chỉ số phát triển con người nhanh nhất thế giới.
Ngay từ năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGS) về xóa nghèo, về đích trước 10 năm so với thời hạn mà Liên hợp quốc đề ra (năm 2015). Tỷ lệ nghèo về thu nhập ở nước ta đã giảm nhanh trong suốt giai đoạn từ năm 1998-2016. Tỷ lệ nghèo giảm từ 7% năm 2015 xuống 5,2% năm 2016. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 9,2% năm 2016 và 7,69% năm 2017.
Thành tựu xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền của người dân. Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai trên toàn quốc và thu được một số kết quả khả quan. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 77% (năm 2015) lên 86,4% (năm 2017) tương đương với 78,2 triệu người.
Tỷ lệ người nghèo và cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế đạt 77% năm 2016. Số lượng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế không ngừng tăng từ 2.506.705 người năm 2013 lên 2.839.568 (năm 2017) trong đó có 42.434 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.617.367 người cao tuổi, 1.006.923 người khuyết tật, và 172.844 đối tượng khác, trong đó có người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo, người đơn thân nuôi con thuộc hộ gia đình nghèo.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua. Bà Caitlin Wiesen cũng đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói và giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện hơn và ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ cải thiện thu nhập.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn trong việc giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỷ lệ nghèo trong các dân tộc thiểu số tiếp tục giảm mạnh là kết quả rất đáng khích lệ, kết quả của những nỗ lực chính sách tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các dân tộc thiểu số.
Những nỗ lực của Việt Nam sẽ tiếp tục với việc thực hiện cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Riêng thu nhập của hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp hai lần.
Công cuộc giảm nghèo bền vững của Việt Nam có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội như thể hiện trong Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” - Đó chính là luôn phương châm hành động, quyết tâm của cả hệ thống chính trị Việt Nam để mọi địa phương, mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế.