Vụ giàn khoan Hải Dương 981: Cơ sở pháp lý và khả năng khởi kiện

Phạm Huyền - Thế Anh -Thứ bảy, ngày 31/05/2014 10:42 GMT+7

Ủng hộ Việt Nam trong quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giải pháp hòa bình, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam những ngày qua đã khiến dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế hết sức bất bình và phản đối, coi đây là hành động ngang ngược nhằm hiện thực hóa ý đồ độc chiếm Biển Đông bằng yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc.

Ủng hộ Việt Nam trong quan điểm kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng mọi giải pháp hòa bình, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Nhiều học giả trong nước và quốc tế cũng đã đề cập giải pháp này nhưng cũng khuyến cáo Việt Nam cần chuẩn bị rất thận trọng và kỹ lưỡng.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng theo luật pháp quốc tế, vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 hiện nay nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế cũng xác nhận quan điểm này.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nói: "Việt Nam và chỉ có Việt Nam có quyền chủ quyền đối với vùng biển này và các tài nguyên trong vùng biển này cũng như khu vực trên thềm lục địa này. Bây giờ Trung Quốc đã xâm phạm vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, được thiết kế là khai thác các tài nguyên là tài sản thuộc chủ quyền của Việt Nam. Không những thế họ còn mang vào đây hàng chục tàu khác, điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang chiếm vùng biển thuộc về Việt Nam”.

Đề cập khả năng khởi kiện ra Tòa án quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, hoặc khởi kiện Trung Quốc vì đã thực hiện một số hành vi không phù hợp với chuẩn mực quốc tế, như chủ động đâm va, phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp và tàu cá của ngư dân Việt Nam, gây tổn hại về sức khỏe và vật chất, vi phạm các quyền tự do hàng hải....

Tiến sỹ Nguyễn Đăng Thắng, Uỷ viên hội đồng chấp hành Luật quốc tế châu Á, Thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển quy định là các quốc gia có tàu có nghĩa vụ phải đảm bảo an toàn hàng hải, việc các tàu của Trung Quốc đâm va vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam cho thấy Trung Quốc không tôn trọng nghĩa vụ trong Công ước Luật Biển. Vi phạm này đã gây ra thiệt hại về người và tài sản. Điều đó đặt ra nghĩa vụ là Trung Quốc phải bồi thường và chấm dứt các hành vi như vậy”.

Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, không loại trừ bất cứ một giải pháp hòa bình nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Khẳng định này có thể hiểu là không loại trừ cả khả năng khởi kiện pháp lý. Trong trường hợp này, đương nhiên ngoài những bằng chứng, chứng cứ không thể chối cãi mà Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam còn cần có sự hiểu biết sâu sắc đối với hệ thống tổ chức, các quy định về thủ tục, thẩm quyền thụ lý, xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế khác nhau.

Thạc sỹ Phạm Lan Dung, Trưởng khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao cho rằng: "Việc Tòa có thẩm quyền xét xử vụ việc này hay không, Tòa có quyết định thụ lý vụ việc này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào hồ sơ chúng ta chuẩn bị cũng như vấn đề chúng ta nêu lên trong đơn kiện. Vì vậy, mặc dù rất lạc quan về khả năng khởi kiện ra Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982, nhưng chúng tôi hiểu đây không phải là vấn đề đơn giản, chúng ta có thể học hỏi được từ vụ Philippines kiện Trung Quốc”.

Hiện nay, Phái đoàn đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi thông cáo tới Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới đã ra Thông cáo nêu rõ những hành vi sai trái của Trung Quốc trong việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và triển khai trái phép các loại tàu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Mời quý vị khán giả xem video chi tiết dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước