Vụ phá rừng Sơn La: Có sự tiếp tay của chủ rừng?

Mạnh Cường-Thứ bảy, ngày 24/08/2013 08:29 GMT+7

 Theo các ngành chức năng tỉnh Sơn La, nguyên nhân phá rừng chủ yếu là do người dân khó khăn nên lấy gỗ để làm nhà. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, sự thực hoàn toàn khác.

Tiếp tục tìm hiểu về vụ phá rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, tỉnh Sơn La, phóng viên VTV nhận thấy không ít những bất cập trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt là sự phối hợp không thực sự chặt chẽ giữa chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền địa phương.

Để có được những hình ảnh về nạn chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép ở Tà Xùa, nhóm phóng viên đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên. Những hình ảnh về các bãi tập kết gỗ cũng đã thường xuyên được Trưởng công an xã Mùa Nhè Di và nhiều người dân ghi lại trong máy điện thoạt di động của mình. Điều này chứng tỏ việc phá rừng diễn ra khá công khai. Vậy nhưng, những cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Háng Đồng lại không nắm bắt được.

‘ Ảnh: VTV News

Nguyên nhân của tình trạng này được các ngành chức năng của tỉnh Sơn La cho rằng, chủ yếu là do người dân khó khăn nên lấy gỗ để làm nhà. Những lý giải này không thực sự hợp lý khi cách đây 10 ngày, Đội kiểm lâm cơ động của Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La được tăng cường tại địa bàn huyện Phù Yên đã bắt giữ được 1 xe vận chuyển trái phép hơn 3 khối gỗ Pơ mu. Số gỗ này được xác định có nguồn gốc từ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Liệu có sự tiếp tay của chủ rừng và các cán bộ kiểm lâm trong vụ việc này?

Theo quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trách nhiệm để xảy ra các vụ phá rừng trái phép đầu tiên thuộc về chủ rừng, sau đó là vai trò của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm. Trên thực tế, chủ rừng và kiểm lâm thì khẳng định, một số chính quyền cấp xã không thực sự vào cuộc, còn chính quyền địa phương thì cho rằng cán bộ kiểm lâm địa bàn vừa hạn chế về con người, vừa yếu về chuyên môn.

Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ rừng ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn bất cập cả về yếu tố con người cũng như cơ chế thực thi pháp luật bảo vệ rừng. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nếu không có những cơ chế phối hợp hiệu quả và việc quy trách nhiệm rõ ràng giữa các lực lượng liên quan thì việc bảo vệ rừng sẽ còn rất khó khăn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước