Xã Tiền Phong (Thường Tín, Hà Nội): Khó khăn thu hồi đất bán trái thẩm quyền

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 27/03/2020 10:04 GMT+7

VTV.vn - Cái khó là ở chỗ người dân đã nộp tiền cho cán bộ thôn và số tiền được khai báo là đã dùng để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi.

Khu đất công nằm sát khu nhà văn hóa và sau chùa, nằm trên địa phận thôn Phác Động, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín Hà Nội, từ năm 2011 đã bị lãnh đạo thôn xẻ ra bán cho 7 hộ theo hình thức giao thầu lâu dài vô thời hạn, thu về số tiền gần 4,1 tỷ đồng.

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, số tiền thu được đã được Ban Kiến thiết thôn sử dụng để xây dựng các công trình công cộng của thôn, có thông qua các hội nghị họp dân thôn Phác Động. Tuy nhiên, số tiền này sử dụng cụ thể như thế nào, đến thời điểm này lãnh đạo xã Tiền Phong không nắm được. Được biết, vào thời điểm thôn Phác Động bán đất trái pháp luật, ông Dương Ngọc Minh đang giữ chức vụ bí thư chi bộ thôn và kế toán xã Tiền Phong.

Không chỉ thôn Phác Động mà nhiều diện tích đất công tại nhiều thôn, đội khác trong xã Tiền Phong cũng bị cán bộ thôn xẻ thịt, bán cho các đối tượng tràn lan xây nhà xưởng. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho đến giờ số tiền bán đất thực tế thu được là bao nhiêu, thu chi cụ thể như thế nào vẫn không được công khai để người dân giám sát.

Đại diện UBND huyện Thường Tín cho biết, do một số cán bộ thôn đã bị bắt và chịu án tù trong một vụ án khác nên hiện huyện vẫn chưa có cơ sở để xác minh, số tiền thực sự cán bộ thôn thu từ việc bán đất trái pháp luật là bao nhiêu và chi tiêu vào những việc gì để có cơ sở xem xét giải quyết sự việc cho thấu tình đạt lý. Bởi trên thực tế người mua đất có nộp một lượng tiền rất lớn cho cán bộ thôn. Về nguyên tắc khi thu hồi lại diện tích đất bán trái phép này, thôn sẽ phải trả lại số tiền đã từng thu của họ.

Đại diện UBND huyện Thường Tín cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiến hành cưỡng chế dứt điểm các công trình sai phạm xây dựng trên phần diện tích đất công bán trái phép và sẽ xử lý cán bộ xã Tiền Phong liên quan tới những sai phạm này. Bởi trong một thời gian dài, từ khi phát hiện đã không có biện pháp ngăn chặn và cố tình giấu diếm sai phạm, không báo cáo UBND huyện để xử lý.

Trước thực trạng này, nhiều người mua đất trái thẩm quyền vẫn hy vọng sẽ được hợp thức hóa cho tồn tại. Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Thường Tín cho biết, đối chiếu lại thì phần lớn diện tích bán trái thẩm quyền đều nằm trong quy hoạch không thể chuyển đổi sang mục đích nhà ở hay nhà xưởng. Một số vị trí phù hợp quy hoạch đất ở thì đều nàm trong kế hoạch đấu giá đất công khai. Nên kỳ vọng của người mua đất trái thẩm quyền xin phạt để tồn tại là không thể thực hiện được.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước