Sau hơn 30 năm đưa vào sử dụng, hiện nay hai khu nhà tập thể G6A Thành Công và nhà A Ngọc Khánh đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cơ chế đặc thù cho cải tạo chung cư cũ
Theo đó, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo; kèm theo tờ trình nêu rõ sự cần thiết, thực trạng, dân số, mục đích, yêu cầu an sinh tại các khu chung cư, thực trạng tham gia của nhà đầu tư thời gian qua, tiêu chí, giải pháp, lộ trình thực hiện, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 31/12/2016.
Nội dung kế hoạch nêu rõ số lượng các khu, nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại; các nhiệm vụ cụ thể (lập quy hoạch, xây dựng cơ chế, lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức xây dựng...); lộ trình thời gian thực hiện; giải pháp tổng thể, định hướng về quy hoạch, sử dụng đất, chính sách đặc thù...; phân công nhiệm vụ cụ thể các cấp, ngành nhằm bảo đảm tính khả thi, giải quyết hài hòa lợi ích chủ sở hữu - doanh nghiệp và Nhà nước.
Cùng với đó, Thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù, tổ chức hội thảo lấy ý kiến, dự thảo tờ trình báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND Thành phố, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, xong trước ngày 31/1/2017.
Sự xuống cấp của nhiều chung cư cũ khiến người dân sống tại đó vô cùng lo lắng, bất an
Bài toán nan giải cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội
Bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan chức năng về đẩy nhanh cải tạo các chung cư cũ, tuy nhiên thời gian qua, theo thống kê, trong hơn 1.000 chung cư cũ trên toàn thành phố, mới chỉ có 14 chung cư được cải tạo lại. Con số này thể hiện sự khó khăn trong việc cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh những lý do như kinh phí, cơ chế cho các nhà đầu tư… thì việc giải quyết mức bồi thường cho các hộ dân đang được xem là một trong các lý do quan trọng cho sự chậm trễ trong tiến độ cải tạo các khu chung cư cũ.
Hiện nay, mức bồi thường được áp dụng cho cư dân chung cư cũ là gấp 2,2 lần diện tích căn hộ sau khi xây mới. Tuy nhiên, cơ chế này có thể được thay đổi khi trong buổi đối thoại với doanh nghiệp vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trên thế giới không có quốc gia nào có chính sách đền bù như vậy và thành phố sẽ cân nhắc để tỷ lệ trả lại diện tích sẽ chỉ là 1:1 (sở hữu diện tích căn hộ chung cư cũ bao nhiêu sẽ được trả bấy nhiêu diện tích căn hộ chung cư mới). Ngoài ra, người dân có thể bán đứt cho Nhà nước hoặc doanh nghiệp căn hộ cũ của mình.
Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng về cơ chế đền bù theo tỷ lệ 1:1, nhưng ý kiến này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân tại các khu chung cư cũ.
Theo đó, không ít hộ dân ở các khu tập thể cũ hiện đang sinh sống trong các căn hộ có diện tích chỉ 20 – 30m2. Nếu chung cư được xây mới lại thành nhà ở thương mại, theo Luật Nhà ở, mỗi căn hộ diện tích tối thiểu lại phải là 45m2. Như vậy, ngoài phần được đền bù theo tỷ lệ 1;1, phần diện tích còn lại, người dân sẽ phải mua thêm.
Điều này thực sự là vấn đề lớn với nhiều hộ dân khi họ phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ nếu muốn sống trong ngôi nhà đúng theo tiêu chuẩn của Luật Nhà ở. Và điều này có thể khiến bài toán giải quyết các khu chung cư cũ tại Hà Nội thêm một nan giải hơn.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.