Thiếu sót trong xây dựng luật - cần phân rõ trách nhiệm

PV-Thứ ba, ngày 20/03/2018 21:43 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ những bất cập trong cung cách làm việc của một số cơ quan soạn thảo luật.

Có những điều luật vênh nhau, thậm chí mâu thuẫn, đang làm khó cho doanh nghiệp và cản trở quá trình thực thi pháp luật. Đây là một trong nhiều vấn đề liên quan tới chất lượng các dự án luật được chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/3.

Ví dụ cụ thể về các điều luật vênh nhau, đại biểu quốc hội Đỗ Thị Lan đã dẫn đích danh Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ Môi trường trong quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

"Luật Đầu tư không quy định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng Luật Bảo vệ môi trường thì lại quy định việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quyết định như trên đã làm các nhà đầu tư lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…" –  Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan nêu và yêu cầu Bộ Tư pháp – với trách nhiệm thẩm định, cho biết giải pháp để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thiếu sót trong xây dựng luật - cần phân rõ trách nhiệm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Thành Long đã thừa nhận có "vênh" giữa 3 luật quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công – 3 luật đã được Quốc hội thông qua trong năm 2014. Sự "vênh" này đang là vướng mắc thực tế của các địa phương, bộ, ngành vì khi trình phê duyệt chủ trương đầu tư không biết phải trình báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ hay sơ bộ. Bộ đã trình Chính phủ để sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường vào năm 2019. Trước mắt, Bộ đang đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật theo hướng đối với lập dự án và xin chủ trương đầu tư thị tuân thủ theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật đầu tư. Có nghĩa trong giai đoạn này chỉ cần trình báo cáo đánh giá sơ bộ.

Vênh nhau về nội dung giữa một số điều luật chỉ là một trong những vấn đề của chất lượng xây dựng pháp luật. Đại biểu Quốc hội Tống Thanh Bình còn nêu những vấn đề khác của chất lượng các dự án luật, như trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, sai sót về căn cứ pháp lý, về thể thức và kỹ thuật trình bày.

Thiếu sót trong xây dựng luật - cần phân rõ trách nhiệm - Ảnh 2.

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, có tới 124/2.752 văn bản trái pháp luật về nội dung và thẩm quyền ban hành phải kiến nghị xử lý và 703/2.752 văn bản có sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày, chiếm gần 1/3 số lượng văn bản ban hành – Đại biểu Tống Thanh Bình trích dẫn.

Đại biểu quốc hội Đỗ Thị Lan chất vấn.

Theo phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thì Bộ Tư pháp chỉ có trách nhiệm với một số trường hợp, bởi nhiều sai sót nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật ngoài tầm với của Bộ Tư pháp. 

"Trước hết phải xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34 liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý văn bản, Bộ Tư pháp tầm với cao nhất là thông tư của các bộ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân, còn các văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên đến các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý" – Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Thiếu sót trong xây dựng luật - cần phân rõ trách nhiệm - Ảnh 5.

Vẫn theo ông Long, trách nhiệm chính của những sai sót trong luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác " là của trưởng ngành, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ khi ban hành".  

Tiếp tục chất vấn về chất lượng các dự án luật, Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ những bất cập trong cung cách làm việc của một số cơ quan soạn thảo luật của Chính phủ. Thứ nhất là làm không đúng tiến độ và thứ hai là làm không hết trách nhiệm: "Báo cáo tổng kết có nhiều báo cáo hình thức, không ký, không đóng dấu. Đánh giá tác động chay, có khoảng nửa trang đánh giá tác động không có số liệu chứng minh kèm theo. Thời gian và sự tham gia cho ý kiến của một số bộ, ngành cũng hình thức, có những bộ, ngành cho ý kiến thường xuyên ủy quyền cho Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho ý kiến ghi 3 dòng là đồng ý. Dự thảo Nghị định hướng dẫn cũng chưa kèm theo. Chưa lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của các chính sách. Có những vấn đề lớn, khi trình lần 2 xin ý kiến Chính phủ thì các đồng chí xin bằng phiếu và tổng số phiếu chúng tôi có được, khi các đồng chí báo cáo trình dự án luật sang thì có những luật rất quan trọng, có 18/27 thành viên của Chính phủ có ý kiến, còn 9 thành viên chưa có ý kiến gì, trong đó có những bộ quan trọng và cá biệt có trường hợp Bộ Tư pháp chưa kịp cho ý kiến…"  - bà Lê Thị Nga nói và chất vấn: " Chúng tôi đề nghị các đồng chí xem thời gian vừa rồi, tình trạng như vậy, thì có xử lý, kỷ luật cá nhân nào, tổ chức nào, chuyên viên nào và lãnh đạo nào không?".

Thiếu sót trong xây dựng luật - cần phân rõ trách nhiệm - Ảnh 6.

Trả lời chất vấn, bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, phản ánh này của bà Lê Thị Nga là "rất chính xác" và cho rằng, trách nhiệm của tình trạng này liên quan tới "người đứng đầu". Đề cập giải pháp, ông Long đã nêu lại một phần nội dung trong nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng văn bản. Theo đó, các Bộ trưởng, trưởng ngành mà không thực hiện đúng các chức trách, nhiệm vụ của mình trong công tác xây dựng pháp luật cũng sẽ là một yếu tố để đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu rất rõ rằng các Bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản và chịu trách nhiệm về việc trình không đúng thời hạn, không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng các dự án luật. Trên thực tế về phía Chính phủ có xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc và nhắc nhở trong các phiên họp của Chính phủ, công bố công khai các dữ liệu về văn bản nợ, chậm, những việc nói chung Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đều có đôn đốc và sẽ tiếp tục rà soát, xem xét việc này để có những kiến nghị kịp thời.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thẳng thắn nêu rõ những bất cập trong cung cách làm việc của một số cơ quan soạn thảo luật của Chính phủ. 

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước