Xe bus nhanh Hà Nội liệu có nhanh như tên gọi?

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 21/12/2016 06:58 GMT+7

VTV.vn - Theo dự kiến, bus nhanh Hà Nội sẽ chạy nhanh hơn bus thường từ 5-10 phút nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về tốc độ mà ban quản lý đưa ra.

Vào ngày 1/1/2017, tuyến xe bus nhanh (BRT) đầu tiên tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động, có lộ trình qua 5 quận, từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - Trần Phú - Ba La đến điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tuyến có chiều dài 14,7 km, thời gian phục vụ 17 tiếng mỗi ngày từ 5h đến 22h, tần suất phục vụ ngày thường 5-10-15 phút/lượt.

Trước thông tin trên, anh Đào Xuân Trường – kỹ sư phần mềm bày tỏ vui mừng và chia sẻ, tuyến bus nhanh có lộ trình khá phù hợp với cung đường đi làm, từ nhà tại phố Núi Trúc, đến công ty có trụ sở tại khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông. Theo anh Trường, nếu tuyến bus nhanh đi vào hoạt động với cung đường và thời gian như ban quản lý công bố thì anh sẽ lựa chọn việc đi xe bus thay vì xe máy như hiện tại. Theo đó, anh sẽ đi bộ ra nhà chờ Núi Trúc trên đường Giảng Võ và xuống nhà chờ Mỗ Lao. Tuy nhiên, trước tình hình giao thông đông đúc, đúng vào giờ cao điểm cũng là thời gian anh ra khỏi nhà đi làm và tan sở, sẽ mất thời gian không khác gì các đi xe bus thông thường – loại hình vận tải anh đã không lựa chọn, do phải đi 2 tuyến, mất hơn 1 giờ đồng hồ như trước đây mới tới được công ty.

"Tôi có đọc báo thấy BRT đã thí điểm và chuẩn bị đưa vào vận hành vào đầu năm tới. Có điều, liệu rằng tốc độ di chuyển của BRT tức là xe bus nhanh liệu có nhanh như tên gọi hay không. Nhiều khi đi đường, xe máy cứ tạt đầu xe bus, cũng khiến xe đi chậm. Đường riêng của BRT đúng là cũng có kẻ vạch nhưng những người khác liệu có tuần thủ không đi vào hay cứ nghênh ngang đi trước mũi BRT làm ảnh hưởng đến thời gian chạy xe. Rồi bus nhanh cũng thành bus chậm vì mật độ giao thông đông đúc, nhất là giờ tan tầm?", anh Trường lo lắng chia sẻ trước khi tính đến phương án sử dụng BRT làm phương tiện đi làm hàng ngày.

Xe bus nhanh Hà Nội liệu có nhanh như tên gọi? - Ảnh 1.

Tuyến BRT đầu tiên của Thủ đô được "ưu ái" ở mức cao nhất nhằm đảm bảo tốc độ 19,6km/h khi di chuyển, nhanh hơn bus thường khoảng 5-10 phút.

Về lo ngại trên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định, bus nhanh chắc chắn sẽ nhanh hơn bus thường. Ông Vũ Văn Viện đưa ra quan điểm lập luận về nhận định trên: "BRT có làn đường cho bus chạy riêng nên chắc chắn sẽ nhanh hơn so với bus thông thường chạy chung với các phương tiện khác. Ngoài ra, trên toàn bộ lộ trình, BRT không phải ra vào đón khách, tiếp cận nhà chờ thuận tiện, lái xe không mất thời gian ra vào bến, đảm bảo thời gian chạy xe tốt hơn so với bus thường. Không những nhanh hơn, BRT sẽ an toàn hơn bus thường. Loại xe bus nhanh sức chứa 90 người được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn EURO 3, có phanh tự động và số tự động nên sẽ đỡ vất vả hơn cho tài xế".

Cũng theo ông Viện, Sở GTVT Hà Nội chưa hình dung hết được BRT sẽ vận hành như thế nào do xe chưa chạy thực tế, nhưng sẽ đảm bảo thuận lợi nhất cho BRT hoạt động đồng thời giảm bất lợi nhất cho các phương tiện khác lưu thông trên tuyến. 

"Để vận hành, có nhiều khó khăn, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp công an TP Hà Nội tổ chức phân luồng, đảm bảo trật tự giao thông trên 43 nút giao thông trên toàn tuyến. Từ ngày 25/12, toàn bộ phương án giao thông được triển khai trên thực tế. Phương án vận hành chính thức từ 1/1/2017. Theo đó, người dân có thời gian làm quen với BRT, ban quản lý cũng có thời gian điều chỉnh tổ chức giao thông, phân luồng, có phương án xử lí tương thích, có thời gian vận hành phương án mới".

Giám đốc Sở GTVT cũng nhấn mạnh, ngoài các phương án trên, việc tuyên truyền cũng sẽ giúp BRT hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn. "Công an TP Hà Nội, Thanh tra giao thông thường xuyên tuyên truyền mạng lưới để người dân biết, triển khai; hướng dẫn người dân, đặc biệt trong dịp Tết – thời điểm có lưu lượng tăng đáng kể".

Xe bus nhanh Hà Nội liệu có nhanh như tên gọi? - Ảnh 2.

Ở những nút giao thông, chỗ quay đầu được xử lý, có lực lượng chức năng ứng trực để đảm bảo BRT hoạt động thông suốt.

Cũng giải đáp về vấn đề đảm bảo tốc độ của BRT, ông Vũ Hà – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị nhấn mạnh, ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở, lực lượng CSGT có thể xử phạt nguội những người tham gia giao thông cố tình vi phạm bằng camera lắp đặt dọc tuyến đường, "CSGT có quyền cho các phương tiện đi vào làn đường của BRT nếu đường thông hè thoáng. Tuy nhiên, sẽ có camera để xử phạt nguội do làn đường cho BRT đã được kẻ vạch sơn liền", ông Hà cho biết.

Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải – Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị khẳng định, tốc độ 19.6km/h của bus nhanh là khả thi. "Bus nhanh được ưu tiên, có thuận lợi hơn bus thường nên sẽ nhanh hơn. Thông qua cách tổ chức giao thông, áp lực giao thông trên tuyến giảm đi, rủi ro ở nút giao thông, tại chỗ quay đầu được xử lý. Ở những vị trí xung yếu, vị trí quay đầu trước cầu vượt cũng được xử lý. Do đó, với ưu thế về phương pháp tổ chức giao thông, cách vận hành BRT, sự phối hợp của lực lượng ứng trực và xử lý tại chỗ sẽ đảm bảo tốc độ, thời gian vận hành".

Thời gian 1 lượt xe từ đầu đến cuối tuyến là 45 phút (chậm hơn 8 phút so với thiết kế nhưng nhanh hơn xe buýt thường 5-10 phút/ lượt khi tổ chức giao thông để đảm bảo vận tốc khai thác 19,6km/h (chậm hơn vận tốc thiết kế 4,1km/h).

Bus nhanh Hà Nội miễn phí phục vụ hành khách 1 tháng

VTV.vn - Kể từ 1/1/2017, tuyến bus nhanh BRT số 01 BX Yên Nghĩa – BX Kim Mã sẽ chính thức đi vào hoạt động và miễn phí phục vụ hành khách trong 1 tháng đầu tiên.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước