Xung quanh việc phát hiện chất làm trắng Tinopal trong bún

PV-Thứ hai, ngày 05/08/2013 14:00 GMT+7

 Xung quanh việc Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng công bố phát hiện chất Tinopal trong bún, bánh canh và phở khiến người tiêu dùng rất hoang mang, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm.

Ngày 22/7, Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng thuộc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã công bố 24/30 mẫu bún, phở, bánh canh lấy ngẫu nhiên tại TP.HCMđều có sự hiện diện của chất làm trắng quang học, chiếm tỷ lệ 80%.

Các nghiên cứu cho thấy hợp chất làm trắng Tinopal có khả năng phát huỳnh quang. Chúng hấp thu các ánh sáng vàng của chất liệu bám vào và phát ra ánh sáng màu xanh. Trong sản xuất bún, các chất này bám vào sợi bún và cho cảm giác thấy sáng hơn, đồng thời cải thiện độ bóng bề mặt sợi làm cho sợi bún hấp dẫn về hình thức.

‘ Ảnh minh hoạ

Các sản phẩm bún có chất huỳnh quang sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chất này sẽ làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Nó có thể làm tổn thương những mao mạch khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng.

Người ăn phải bún chứa chất huỳnh quang lâu dài sẽ bị suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và có thể bị bệnh ung thư. Tùy theo lượng độc tố vào cơ thể mà Tinopal gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hơn nữa, đây là một chất dùng trong công nghiệp, nên khó tránh khỏi có chứa các tạp chất gây hại cho sức khỏe.

Sau khi Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng công bố về việc phát hiện chất huỳnh quang trong bún, bánh canh và phở, người tiêu dùng mong muốn cơ quan này sẽ tiếp tục công bố địa chỉ, phương pháp kiểm nghiệm và hàm lượng Tinopal trong các sản phẩm này là bao nhiêu. Tuy nhiên, cơ quan này mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu. Với cách công bố vội vã như trên nhưng không đưa ra được dẫn chứng chứng minh rõ ràng sẽ giống như một tin đồn rất dễ mang hậu quả nặng nề cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm tại trường quay Đài THVN.

‘ Toàn cảnh cuộc trao đổi

PV: Thưa ông, sau khi Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng công bố phát hiện chất Tinopal trong bún, bánh canh và phở, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm đã làm gì?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Trước khi Trung tâm nghiên cứu và Tư vấn công bố thông tin trên, đoàn Thanh tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã đi cơ sở và phát hiện ra các gói hoá chất không có nguồn gốc xuất xứ, đem kiểm nghiệm chúng tôi đã phát hiện đó là chất Tinopal.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố tiến hành lấy mẫu bún kiểm nghiệm và kết quả ban đầu là Hà Nội, các tỉnh miền Trung chưa phát hiện chất Tinopal trong sản phẩm.

Còn một số tỉnh, đặc biệt trong đó có TP.HCM chúng tôi cũng đã lấy mẫu yêu cầu kiểm nghiệm và chậm nhất ngày 10/8 khi có kết quả sẽ yêu cầu công bố rộng rãi và xử lý nghiêm.

PV: Hiện chúng tôi thấy có rất nhiều đơn vị công bố kết quả các nghiên cứu của họ, vậy ông có thể cho biết cơ quan nào có chức năng công bố những kết quả này?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Các thông tin về an toàn thực phẩm thường yêu cầu phải đầy đủ và phải có tính đại diện, chính xác và kịp thời. Chính vì vậy Nhà nước đã qui định các cơ quan quản lý cụ thể là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương (có các Cục chuyên ngành) và các đơn vị tương ứng của Sở sẽ là những nơi phát ngôn về kết quả Thanh tra, kiểm tra, công bố, cũng như xử lý vi phạm các vấn đề về an toàn thực phẩm.

PV: Người tiêu dùng rất cần thông tin chuẩn xác, nhất là một vấn đề nhạy cảm như là an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ cần một thông tin được nêu ra, nó sẽ ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, ảnh hưởng đến bà con nông dân, ảnh hưởng đến những người buôn bán. Vậy hiện tại, việc kiểm nghiệm thực phẩm đang được quy định như thế nào? Có những đơn vị nào được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công việc này?

‘ Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Ông Nguyễn Thanh Phong: Về việc lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm ở Thông Tư 14 đã quy định rõ trình tự, thủ tục và các phương pháp kiểm nghiệm lấy mẫu, phương pháp bảo quản, niêm phong và lưu mẫu.

Kể cả người lấy mẫu cũng phải được tâp huấn và xác nhận đã qua tập huấn mới được thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm.

Còn vấn đề kiểm nghiệm, hiện nay chúng ta đang giao cho các đơn vị của Bộ Y tế, của Bộ NN&PTNN, Bộ Công Thương. Ngoài ra, Trung tâm y tế huyện và Trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm địa phương cũng có thể triển khai việc lấy mẫu và đánh giá kiểm nghiệm các sản phẩm, trong trường hợp phát hiện nghi ngờ sẽ chuyển các mẫu sản phẩm đó lên các viện có đủ trình độ, đủ điều kiện để kiểm tra chính xác.

PV: Vậy kết quả về bún nhiễm hoá chất Tinopal của Trung tâm nghiên cứu và tiêu dùng kiểm nghiệm vừa rồi có chính xác không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Phong: Sau khi có thông tin của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng, chúng tôi đã yêu cầu Sở Y tế TP.HCM và Sở Công Thương liên hệ trực tiếp với trung tâm này để có những thông báo chính thức. Nhưng rất tiếc thông tin mà chúng tôi nhận được từ Sở Y tế và Sở Công Thương TP.HCM là Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng chưa có văn bản chính thức thông báo kết quả kiểm nghiệm cho cơ quan chức năng tại TP.HCM.

Chúng tôi cũng mong muốn nếu có những thông tin như vậy, người tiêu dùng nên thông báo cho các cơ quan chức năng để có đánh giá chính thức, tránh gây hại cho sức khoẻ người tiêu dùng và bảo vệ cả các cơ sở kinh doanh chân chính.

Dưới đây là VIDEO chi tiết cuộc trao đổi

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước