Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19

VTVCập nhật 21:19 ngày 15/05/2020

VTV.vn - Tọa đàm trực tuyến "Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19" được phát trực tuyến vào lúc 20h ngày 15/5 (giờ VN).

Đại dịch COVID-19 bùng nổ dẫn đến sự hoang mang của người Việt ở khắp mọi nơi. Trong giai đoạn này, điều được mọi người quan tâm nhất là làm sao để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho công dân Việt Nam, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Hàng loạt câu hỏi được nhiều người đặt ra như: Đối tượng ưu tiên được hỗ trợ từ các Đại sứ quán là những trường hợp nào? Các cơ quan đại diện tại nước ngoài có thể giúp được các công dân Việt nam gặp khó khăn trong đại dịch trên những phương diện gì? Trong mùa dịch này, những loại thuốc cần chuẩn bị sẵn trong tủ thuốc gia đình? Khi đi máy bay thì cần mặc quần áo như thế nào để phòng tránh lây nhiễm?

Nhằm thực hiện kế hoạch thông tin về công tác bảo hộ công dân của Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời giải đáp các thắc mắc của người dân trong và ngoài nước liên quan đến các phương thức phòng chống, điều trị bệnh dịch COVID-19. VTV4 – Ban truyền hình đối ngoại kếp hợp cùng Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) thực hiện chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19".

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao

- Ths. BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương

- Ths. BS Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp,Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Chương trình được phát trực tuyến lúc 20h00 Thứ sáu ngày 15/05/2020 (giờ Việt Nam) trên fanpage VTV4, fanpage Trung tâm tin tức VTV24, fanpage Báo điện tử VTV, VTV4.VTV.vn, Báo điện tử VTV News (VTV.vn), Youtube VTV24 và trên ứng dụng VTVgo.

Dưới đây là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến:

MC Lã Trang:  Thưa quý vị là hiện nay trên các website và fanpage thì chúng tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi của các quý vị khán giả và tôi cũng xin phép chuyển tới Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan. Vâng, thưa bà, chúng tôi có nhận được một câu hỏi của một bạn nào khán giả? Bạn nên hỏi rằng thủ tục để đăng ký nhận hỗ trợ từ phía các đại sứ quán như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao thì tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hình thức khác nhau để tạo thuận lợi trong thông tin đăng ký để về nước như mở hoặc lập những đường hotline, những đường dây nóng tiếp nhận thông tin qua hộp thư điện tử hoặc là tiếp nhận thông tin trực tiếp từ cơ quan đại diện. Đối với công dân ta ở nước ngoài, có thể tìm thấy các đường link đăng ký trên các trang thông tin điện tử của tất cả các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hoặc là gọi điện trực tiếp vào đường dây nóng của cơ quan đại diện nước ngoài đều được hướng dẫn cụ thể, thậm chí là khi mà công dân nước ngoài  vì một lý do khách quan nào đó không liên lạc được với cả cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì ở trong nước, chúng tôi cũng vận hành đường dây của tổng đài bảo hộ công dân nước ngoài, các công dân ta cũng có thể liên hệ.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 1.

MC Lã Trang:  Vâng, đó là một vấn đề mà khán giả có thể liên hệ với các đại sứ quán quanh những kênh thông tin như bà Hương Lan vừa đề cập. Ở bên cạnh đó, chúng tôi đã ghi nhận được có một vấn đề mà khá nhiều khán giả về cho chương trình này, trong đó có những người Việt Nam đi lao động đang sinh sống ở các nước bạn. Có bạn du học sinh hỏi rằng visa du học của cháu thì sắp hết hạn rồi mà bây giờ thì rất khó để về nước. Vậy thì cháu cần làm thế nào? Và cũng có một trường hợp có câu hỏi tương tự đó là có một khán giả nam, vợ của anh ấy sang thăm con ở nước ngoài, visa thì sắp hết hạn nhưng chưa thể về được. Vậy thì trong trường hợp mà với những khán giả mà gặp trục trặc về vấn đề như thế này thì các Đại sứ quán sẽ có hình thức hỗ trợ như thế nào ạ?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Ngoại giao thì Cục Lãnh sự đã và đang phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trao đổi và đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền sở tại nước ngoài để đảm bảo điều kiện về y tế, an ninh và an toàn cho công dân ta cũng như việc gia hạn thị thực. Nếu như trong trường hợp thị thực của công dân ta, giấy phép cư trú bị quá hạn thì các cơ quan đại diện cũng đã làm việc với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể gia hạn thời hạn lưu trú đó và có thể miễn phí và như vậy sẽ tạo điều kiện cho công dân nước ngoài hợp pháp.

MC Lã Trang: Như vậy là công dân của chúng ta cứ trực tiếp đến các Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán là sẽ có thể xử lý vấn đề này đúng không ạ?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam: Công dân khi có những khó khăn đấy thì có thể đến trực tiếp cơ quan đại diện hoặc là có thể liên hệ qua điện thoại và các cơ quan đại diện sẽ có hướng dẫn một cách chi tiết.

MC Lã Trang:  Vâng thưa quý vị cũng đừng quên rằng chúng tôi cũng đã cung cấp cho quý vị một số đường dây hotline cũng như thông tin liên lạc khi cần thiết của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Quý vị cũng có thể ghi nhớ và sẽ gửi câu hỏi cũng như những câu hỏi thắc mắc của mình. Chắc chắn quý vị sẽ nhận được lời giải đáp. Thưa quý vị là trong chương trình này chúng tôi cũng sẽ kết nối với một số Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài để có thể nắm thêm thông tin cụ thể về công tác bảo hộ công dân Việt Nam tại từng quốc gia và xin mời quý vị cùng theo dõi cũng đặt câu hỏi cho các vị đại sứ và khách mời của chúng tôi ngay tại livestream này. Thưa quý vị là ngay lúc ấy thì chúng tôi đã nhận được tín hiệu từ Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha, Đại sứ Ngô Tiến Dũng và tôi sẽ lập tức chuyển đến Đại sứ câu hỏi của các quý vị khán giả. Vâng, xin chào Đại sứ Ngô Tiến Dũng. Thưa ông, xin ông cho biết về tình hình dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha hiện nay ra sao ạ?

Đại sứ Ngô Tiến Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha: Vâng, có thể nói Tây Ban Nha là 1 trong những nước bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất ở Châu Âu. Lúc đầu thì nước bạn cũng hơi bất ngờ vì sự bùng phát rất nhanh. Đến hiện nay thì tổng có 230.000 ca nhiễm và khoảng 26.000 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, Tây Ban Nha cũng là nước đã tích cực tiến hành những biện pháp mạnh mẽ ở Châu Âu. Sau gần 2 tháng thì cơ bản Tây Ban Nha cũng đã dần khống chế được dịch bệnh. Đáng chú ý là từ ngày 12/5 tuần này thì Tây Ban Nha đã bước đầu chuyển sang giai đoạn từng bước nới lỏng các biện pháp chống dịch, từng bước mở lại các hoạt động kinh tế xã hội, nhưng vẫn phải thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch. Theo kế hoạch thì Chính phủ sẽ mở lại kế hoạch kinh tế xã hội trong 4 giai đoạn và phấn đấu đến cuối tháng 6/2020 thì tình hình sẽ cơ bản trở lại bình thường.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 2.

MC Lã Trang:  Vâng, thưa Đại sứ Ngô Tiến Dũng là vậy thì trong tình hình mà dịch vẫn đang tiếp tục tiếp diễn ở Tây Ban Nha. Như vậy thì vấn đề nào mà công dân Việt Nam của chúng ta quan tâm nhất hiện nay, thưa ông?

Đại sứ Ngô Tiến Dũng - Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha: Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nên nhiều bà con và các em sinh viên của chúng ta có nguyện vọng về nước. Trên cơ sở đó thì Đại sứ quán đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở trong nước cũng như của Tây Ban Nha để mà tổ chức chuyến bay kịp thời. Việc tổ chức chuyến bay có thể nói là khá phức tạp. Rất nhiều việc phải làm trong bối cảnh dịch bệnh cho nên chúng tôi phải làm việc rất nhiều lần với các cơ quan chức năng của Tây Ban Nha từ việc xin giấy phép rồi tạo điều kiện cho bà con đi lại, xin những địa chỉ khách sạn mà họ có thể ở lại rồi làm các công văn công hàm để đưa những danh sách các hành khách của chúng ta để nước bạn tạo điều kiện. Phải nói là việc tổ chức chuyến máy bay đến hỗ trợ đồng bào ta về nước là một cố gắng rất lớn của Nhà nước và Chính phủ ta.

MC Lã Trang:  Vâng, xin cảm ơn Đại sứ Ngô Tiến Dũng và cảm ơn các nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đang hết sức nỗ lực vì đồng bào của mình để đảm bảo được mọi người an toàn dịch bệnh và chúng tôi cũng chúc Đại sứ Ngô Tiến Dũng cũng như các anh em trong Đại sứ quán và kiều bào ta ở Tây Ban Nha sẽ vững vàng để vượt qua đại dịch.

Vâng, thưa bà Hương Lan, vừa rồi chúng ta đã nắm sơ qua về tình hình của cộng đồng người Việt tại Tây Ban Nha và  Đại sứ Ngô Tiến Dũng có nhắc đến một vấn đề mà tôi chắc chắn rằng hiện nay đông đảo kiều bào của chúng ta đang rất quan tâm là tổ chức những chuyến bay để đưa kiều bào về nước. Vậy thì với những chuyến bay này thì những đối tượng nào sẽ được ưu tiên tham gia những chuyến bay này để về nước?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam: Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, Chính phủ là đảm bảo y tế và phòng, chống dịch bệnh, đồng thời cũng đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho công dân tại nước ngoài. Trong bối cảnh đất nước đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm và đảm bảo an toàn cuộc sống và sức khoẻ của người dân và ổn định phát triển kinh tế xã hội thì Chính phủ vẫn có chủ trương là tiếp nhận các chuyến bay đưa công dân từ bên ngoài về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, phù hợp với khả năng tiếp nhận từ trong nước. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã cùng với các Bộ, ngành và các cơ quan đại diện thống nhất và sắp xếp các đối tượng ưu tiên hỗ trợ về nước như sau:

Thứ nhất là nhóm mà học sinh dưới 18 tuổi và những sinh viên mà hiện nay trường và ký túc xá đã đóng cửa rồi thì đây là những trường hợp là sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tự thu xếp chỗ ở, phòng chống dịch bệnh cho bản thân, đặc biệt là các em dưới 16 tuổi.

Nhóm thứ hai là nhóm người trên 60 tuổi. Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và có sức đề kháng yếu. Trong khi đó công tác phòng, chống dịch của nhiều nước thì không được thực sự hiệu quả, rất dễ bị lây nhiễm và nguy cơ rủi ro rất cao.

Thứ ba là nhóm những người đi chữa bệnh từ nước ngoài hoặc là những người có bệnh lý nền, có tiền sử bệnh lý nền thì đây cũng là nhóm đối tượng mà có sức khoẻ yếu và gặp khó khăn trong việc cư trú và chữa bệnh lâu dài ở nước ngoài.

Cuối cùng đó là nhóm mà những người đi thăm thân, du lịch hoặc đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài nhưng bị kẹt, đi lao động nước ngoài hết hợp đồng vì là do ảnh hưởng của bệnh dịch thì họ cũng bị quá hạn lưu trú chẳng hạn hoặc là không thể có khả năng để thu xếp chỗ ở lâu dài ở nước ngoài. Những nhóm đối tượng nói trên là những nhóm đối tượng được xem xét để đưa về nước.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 3.

MC Lã Trang:  Quả thật là ở trong tình huống như thế này thì tôi nghĩ rằng là đa phần những người Việt Nam ở nước ngoài, vì rất nhiều lý do mà ai cũng muốn trở về nước. Nhưng chắc chắn rồi quyết định là chúng ta đi hay là chúng ta ở lại thì cũng phải căn cứ theo rất nhiều điều kiện thực tế khác và chúng tôi biết rằng các cơ quan đại diện ngoại giao, Bộ Ngoại giao và các hãng hàng không cũng như Chính phủ cũng đang phải nỗ lực rất nhiều để có thể đưa được các công dân của chúng ta về nước. Và đặc biệt là khi về nước rồi thì còn phải đảm bảo điều kiện cho mọi người được cách ly tốt nhất để tránh lây nhiễm dịch bệnh trong nước nữa. Đó cũng là điều vô cùng quan trọng.

Vâng, thưa quý vị, tôi vừa nhận được thông báo tại trường quay là chúng ta sẽ tiếp tục kết nối được với một vị Đại sứ nữa, đó là Đại sứ Vũ Hồng Nam - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản và Đại sứ Lê Linh Lan - Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Sĩ. Trước tiên, chúng tôi xin được kết nối với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam. Hiện tại Nhật Bản thì có hơn 400.000 lao động Việt Nam đang học tập và làm việc. Khi dịch Covid-19 xảy ra thì có rất nhiều người đã bị mất việc làm, nhiều người thì không đủ khả năng để chi trả sinh hoạt phí hay khám chữa bệnh. Vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã có những biện pháp như thế nào để hỗ trợ dân trong những trường hợp như thế này?

Đại sứ Vũ Hồng Nam - Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản: Chúng tôi cũng đã liên lạc với trung tâm tư vấn của các tỉnh và đề nghị họ tăng cường đường dây nóng có tiếng Việt. Điều này rất quan trọng vì cộng đồng hơn 200.000 người là thực tập sinh, ngôn ngữ chỉ đủ giao tiếp và sinh hoạt thông thường nếu mắc bệnh thì không đủ để giải thích. Hiện nay chúng tôi mừng vì có hỗ trợ của các tỉnh. Tokyo đã tăng đường dây nóng có tiếng Việt. Gần nửa số tỉnh đã tăng đường dây nóng có tiếng Việt. Đây là điều rất mừng. Ở Nhật Bản chúng ta cũng thiết lập được gần 20 hội người Việt ở gần 20 tỉnh. Đây là bộ phận rất quan trọng hỗ trợ cho sứ quán hỗ trợ cho cộng đồng. Chúng tôi cũng vận động các tổ chức và các NGO để mua các nhu yếu phẩm cho những người không có khả năng chi trả. Cơ quan đại diện chúng tôi quyên góp mỗi người 1 ngày lương giúp cho các bạn không có khả năng chi trả mua những nhu yếu phẩm như gạo, muối giúp các bạn cầm cự.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 4.

MC Lã Trang: Vâng, xin cảm ơn Đại sứ Vũ Hồng Nam. Tôi thấy rằng khi Nhật Bản triển khai rất nhiều những kênh thông tin tư vấn có tiếng Việt thì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con ta ở đây. Thực sự là cá nhân tôi cũng thấy rất xúc động khi nghe Đại sứ có chia sẻ là các cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã trích tiền lương mình để ủng hộ đồng bào ta tại Nhật Bản. Có thể nói rằng đây chính là một nghĩa cử thể hiện tinh thần tương thân tương ái, vốn truyền thống rất đẹp của người Việt ta.

Và tiếp tục chương trình thì chúng tôi xin mời quý vị cùng kết nối với  Đại sứ Lê Linh Lan - Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Sỹ. Vâng, xin chào Đại sứ Lê Linh Lan. Thưa Đại sứ, Thuỵ Sỹ và một số nước Châu Âu sẽ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội. Vậy thì công tác bảo hộ công dân trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào những vấn đề như thế nào ạ?

Đại sứ Lê Linh Lan - Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ: Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ hỗ trợ bà con và các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Thụy Sỹ. Chúng tôi đã sớm xây dựng kế hoạch ứng phó, đưa ra những biện pháp, chuẩn bị các kịch bản trong công tác bảo hộ công dân, trong đó đặc biệt tập trung vào một số công tác như: rà soát, xây dựng số liệu về công dân Việt Nam;  tăng cường công tác thông tin về tình hình dịch bệnh cũng như các vấn đề liên quan cho bà con cộng đồng thông qua trang thông tin của Đại sứ quán. Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ phân công trực lãnh sự, bố trí cán bộ hỗ trợ tối đa cho công dân Việt Nam tại Thụy Sỹ trong việc làm các giấy tờ lãnh sự, hộ tịch, hướng dẫn giúp đỡ bà con gia hạn các loại giấy tờ lưu trú tại Thụy Sỹ, hỗ trợ tìm kiếm chỗ lưu trú cho sinh viên không còn hợp đồng lưu trú, chủ động và tăng cường công tác vận động bà con kiều bào, hướng dẫn cho công dân Việt Nam nhất là các bạn học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh có mong muốn về Việt Nam.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 5.

MC Lã Trang:  Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của Đại sứ Lê Đinh Lan và tôi tin là với sự hỗ trợ hết sức cụ thể như vậy thì cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ hoàn toàn có thể yên tâm để vượt qua được đại dịch.

Thưa quý vị, có thể thấy rằng các cơ quan trong nước cũng như các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài đã và đang cố gắng hết sức để có thể đảm bảo được quyền lợi của công dân Việt Nam tại nước ngoài. Và nếu quý vị hoặc người thân của quý vị, bạn bè của quý vị đang ở nước ngoài mà gặp những khó khăn thì quý vị cũng đừng quên là liên hệ với số điện thoại của Tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự theo số điện thoại là +84981848484.

Vâng, thưa quý vị, tiếp theo thì chúng ta sẽ cùng trở lại với  Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Thưa bà, trong khi chúng tôi thực hiện livestream này chúng tôi cũng nhận được rất nhiều câu hỏi của các quý vị khán giả quan tâm đến vấn đề đường bay.  Hiện nay nhiều khán giả hỏi rằng là nên về Việt Nam cho các đường bay nào để được nhập cảnh bình thường không bị cách ly và nếu về nước thì hình thức cách ly sẽ là như thế nào ạ?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam:  Hiện nay tất cả các cá nhân về nước đã nhập cảnh Việt Nam thì đều phải cách ly và phải được theo dõi y tế phù hợp để phòng, chống dịch bệnh. Cho nên không có một trường hợp nào là công dân nào từ nước ngoài trở về mà lại không bị cách ly. Theo thông báo của Bộ Y tế là đối với công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về thì cần phải thực hiện các công việc, ví dụ như là thực hiện khai báo y tế bắt buộc, thứ hai là phải thực hiện cách ly được chỉ định và thứ ba là về luôn đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát trùng và thực hiện các biện pháp dự phòng khác.

MC Lã Trang: Thưa quý vị khán giả. Tôi nghĩ rằng quý vị cũng đã xem rất nhiều chương trình rồi đúng không ạ? Chúng ta thấy cuộc sống trong những khu cách ly cũng rất thú vị mà mọi người đã chia sẻ với quí vị rất nhiều trong thời gian vừa qua. Chắc chắn là khi quý vị trở về Việt Nam thì chúng ta hãy phải tuân thủ hết thời gian cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chúng ta có thể vừa bảo đảm sức khoẻ cho bản thân mình cũng như bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng nữa.

Thưa bà Hương Lan, bà có những lời khuyên như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời điểm hiện tại ạ?

Bà Nguyễn Thị Hương Lan - Phó Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam:  Hiện nay nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang tiến hành hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế,  không cho quá cảnh hoặc yêu cầu kiểm tra giấy tờ như giấy chứng nhận tình trạng sức khoẻ  khiến cho nhiều hành khách là công dân Việt Nam bị kẹt tại các sân bay quốc tế. Để tránh những trường hợp bị kẹt như vậy thì tôi cũng khuyến cáo công dân Việt Nam đang ở nước ngoài hạn chế tối đa đi lại. Bởi vì tại thời điểm này nếu như đi lại nhiều thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu như không có việc gì thật sự cần thiết thì công dân Việt Nam ở nước ngoài nên hạn chế tối đa đi lại và phải tuân thủ những biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các thông tin về các phương tiện giao thông, về các đường bay quốc tế cũng như các quy định về các giấy tờ cần thiết để thực hiện các chuyến bay để không xảy ra tình trạng bị kẹt ở nước ngoài. Đồng thời là công dân Việt Nam nếu như gặp khó khăn ở nước ngoài thì cũng kịp thời thông tin cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi sẽ hỗ trợ cần thiết. Trong trường hợp cần sự trợ giúp thì đề nghị công dân liên hệ ngay với các đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đăng tải trên các website của cơ quan đại diện hoặc là có thể liên hệ với Tổng đài bảo hộ công dân tại Việt Nam là +84981.84.84.84. Chúng tôi sẽ hỗ trợ kịp thời.

MC Lã Trang: Vâng, rất cảm ơn bà Hương Lan đã đến tham dự chương trình của chúng tôi ngày hôm nay và chia sẻ những thông tin rất hữu ích. Xin hẹn gặp lại bà trong các chương trình tiếp theo của chúng tôi.

Thưa quý vị, người Việt ta có truyền thống tương thân tương ái. Trong đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam giữ vững phương châm là không để ai bị bỏ lại phía sau. Các Đại sứ quán, các cơ quan đại diện ở nước ngoài vẫn nỗ lực hết mình với tinh thần bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ. Thông qua chương trình ngày hôm nay thì các vị Đại sứ tại nước ngoài cũng muốn nhờ chúng tôi gửi tới quý vị khán giả, đặc biệt là những khán giả đang ở nước ngoài những lời động viên vô cùng ấm áp.

Trong trường quay của chúng tôi có hai bác sĩ đến từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Xin trân trọng giới thiệu Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Xin cảm ơn hai bác sĩ đã đến tham dự chương trình của chúng tôi. Vâng, bác sĩ vừa xem clip tổng hợp vừa rồi là câu hỏi mà các khán giả ở nước ngoài gửi về cho chương trình và tôi nghĩ rằng đây cũng là vấn đề mà rất nhiều khán giả quan tâm. Trước khi bắt đầu phần giải đáp các thắc mắc của khán giả thì tôi cũng đang có thắc mắc của riêng mình. Không biết bây giờ công việc của hai bác sĩ là đỡ bận hơn chưa ạ?

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Như các anh chị cũng biết cũng như trên các phương tiện truyền thông gần đây, thông tin về Việt Nam khống chế dịch Covid-19 rất tốt. Cũng vì thế các công việc của chúng tôi tại khoa Hồi sức tích cực đã được giảm đi rất nhiều. Hiện tại thì tại khoa Hồi sức tích cực, các bệnh nhân nặng thì đã qua giai đoạn nguy kịch rồi.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 6.

MC Lã Trang: Hằng ngày mà nghe thông tin là bao nhiêu bệnh nhân được ra viện là chúng tôi cũng mừng lắm. Vậy còn bác sĩ Mai, công việc của bác sĩ hiện nay như thế nào?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Tôi thì sau gần hai tháng cách ly ở trong bệnh viện thì tôi cũng đã được tự cách ly và bây giờ thì tôi lại quay lại cơ sở Giải Phóng - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để điều trị cho bệnh nhân thường không nhiễm Covid-19.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 7.

MC Lã Trang: Vâng! Hai tháng cách ly cùng với các bệnh nhân, các bác sĩ đã phải ăn ở tại trong bệnh viện luôn để trực tiếp điều trị và thực sự là chúng tôi vô cùng cảm ơn những người bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã giúp cho các bệnh nhân hồi phục, và giúp chúng ta có thể khống chế được dịch bệnh.

Và bây giờ chúng ta sẽ giải đáp các thắc mắc của quý vị khán giả. Bạn Hoàng Thị Thương Thương ở CHLB Đức có hỏi là có những cách như thế nào để có thể hạ sốt nhanh nhất? Bởi vì bạn ấy nói rằng ở Đức thì việc mua thuốc hạ sốt cũng không hề đơn giản mà vẫn phải có đơn của bác sĩ.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Để hạ sốt nhanh nhất thì cũng phải tuỳ thuộc vào mức độ sốt của bệnh nhân. Ở Việt Nam, những bệnh nhân có triệu chứng sốt trên 38,5 độ hoặc là sốt kèm theo các triệu chứng đau mỏi đầu, đau mỏi người rất là nhiều thì mình cân nhắc dùng các loại thuốc hạ sốt. Trong trường hợp thuốc hạ sốt sẵn có thì nếu có chỉ định dùng thuốc hạ sốt thì mình sẽ dùng. Còn lại trong điều kiện mà thuốc hạ sốt không có mình có thể dùng các biện pháp cơ học khác ví dụ như chườm mát…để hạ nhiệt độ sớm. Khi chườm, mình sẽ lau bằng nước ấm cho các lỗ chân lông giãn nở ra và dễ thoát được nhiệt. Người mình tôi cho là  hay nhầm lẫn giữa chườm và lau. Chườm là truyền nhiệt ra bên ngoài. Mình sẽ phải đắp vào những vị trí hấp thu được nhiệt tốt ví dụ như ở trán, bẹn thì mình dùng những vật lạnh đắp trực tiếp vào để truyền được nhiệt ra. Còn khi lau trên toàn bộ bề mặt da chúng ta sẽ lau bằng nước ấm.

MC Lã Trang:  Vâng, bạn Thương Thương đang theo dõi livestream này đã biết cách có thể hạ sốt nhanh nhất rồi. Câu hỏi tiếp theo thì xin được dành cho bác sĩ Mai. Bạn Nguyễn Phương Linh từ Mỹ muốn hỏi bác sĩ bạn sẽ phải cần làm gì nếu bị mắc Covid 19 và phải tự điều trị tại nhà ạ?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Nếu bạn đã được chẩn đoán nhiễm Covid-19 và bác sĩ đã cho bạn về nhà, tức là người ta đã kiểm soát. Bạn có thể tự theo dõi và tự chăm sóc được cả nhà. Tôi không rõ thì bên  đó họ có cho đơn thuốc hay không nhưng hình như ở Mỹ cũng dễ mua thuốc hạ sốt hơn. Như vậy, hãy ở nhà bạn có thể là phải theo dõi nhiệt độ liên tục. Nếu sốt cao quá 38,5 độ mình có thể dùng thuốc hạ sốt, cùng với đó là mình liên tục phải bù nước và điện giải. Có một điều quan trọng hơn đối với những bệnh nhân Covid-19 bởi vì thường khoảng 7, 8 ngày sau thì tổn thương phổi ban đầu nó mới có tiến triển. Lúc đó bệnh nhân có thể chuyển sang khó thở. Như vậy thì các bạn sẽ phải theo dõi thêm tình trạng khó thở, đau ngực, tình trạng ho ra đờm. Ví dụ như đờm nó đổi màu, ví dụ như trong đờm có máu....Nếu có bất kỳ những biến đổi bất thường như vậy thì bạn nên quay lại bệnh viện để khám. Còn nếu như mà là thể nhẹ thì dần dần là bệnh nhân sẽ đỡ sốt, không ho, không đau ngực gì cả, đỡ sốt, đỡ đau mỏi cơ và các triệu chứng đã dần dần nó sẽ giảm đi.

MC Lã Trang:  Vậy thì với những vấn đề mà Covid-19 gây ra cho chúng ta như vậy thì trong nhà hiện thời điểm này nên có những loại thuốc như thế nào, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Đối với những người bình thường và nếu  được phép thì các bạn nên chuẩn bị thuốc hạ sốt. Tôi biết như Mỹ hay Canada trong các siêu thị họ bán rất nhiều thì ở Việt Nam cũng vậy, mua cũng không khó quá. Mình nên dự trữ thuốc hạ sốt nhóm acetaminophen chứ không phải là nhóm aspirin. Tôi nói thế có thể là các bạn không biết nhưng tốt nhất là ở Việt Nam mình có paracetamol và các nước cũng như vậy. Đấy là thuốc dùng để hạ sốt, còn nước điện giải thì có rất nhiều dạng nó có thể là dạng nước đã pha sẵn theo tỷ lệ hoặc có những gói bột đông khô để mình pha theo đúng hướng dẫn ở trên các gói thuốc lần này thì như vậy. Hai thứ đó là hai cái thứ mà mình nên chuẩn bị.

MC Lã Trang:  Vâng, chắc chắn là bên cạnh việc uống thuốc, quan sát các triệu chứng đi, chúng ta phải quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đúng không ạ?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Những người có đề kháng tốt thì thường là sẽ chiến đấu với virut có vẻ là dễ dàng hơn. Như vậy thì bệnh nhân sẽ phải ăn uống đầy đủ chất, đặc biệt là các vitamin. Bởi các vitamin tham gia vào quá trình nâng cao đề kháng của cơ thể, đồng thời là nó lại rất dễ bị phân huỷ. Vitamin mà chúng ta sử dụng hằng ngày qua con đường ăn uống hoa quả tươi thì chỉ sau 24 giờ đã bị phân huỷ rồi. Cho nên hằng ngày đều đặn là mình sẽ phải bổ sung các vitamin tự nhiên bằng hoa quả sau mỗi 24 tiếng. Một số nước ở xứ lạnh thì việc bổ sung vitamin bằng hoa quả tươi có thể sẽ bị kém đi thì mọi người bên đó sẽ dùng các thuốc viên, các vitamin dạng viên. Nhưng bổ sung  hoa quả tươi thì vẫn là tốt nhất.

MC Lã Trang:  Vâng, thưa quý vị bác sĩ Mai cũng vừa đề cập đến rất nhiều loại thuốc mà chúng ta nên có trong nhà để chúng ta có thể chống chọi được với virus Sars-Cov-2. Ngay sau đây thì chúng tôi sẽ tập hợp một số loại thuốc mà quý vị nên có. 

Quý vị và các bạn nên chuẩn bị các loại thuốc hạ sốt và bù điện giải, không sử dụng các loại thuốc kháng sinh không theo đơn của bác sĩ ; nên bổ sung vitamin, các khoáng chất cần thiết cho cơ thể qua việc ăn uống đủ chất hoặc thuốc Polyvitamin để tăng khả năng miễn dịch của bản thân; nên tăng cường vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm và ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

MC Lã Trang:  Vâng ngay bây giờ thì chúng tôi đã nhận được thêm những câu hỏi của quý vị khán giả gửi về. Tiếp tục xin được gửi câu hỏi tới bác sĩ. Có một khán giả gửi câu hỏi đó là: nếu mà không có khẩu trang N95 chuyên dụng thì bạn có thể đeo một lúc nhiều khẩu trang được không?

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Thực ra tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng như nhiều nước không khuyến cáo sử dụng khẩu trang N95 phổ biến trong cộng đồng. Khẩu trang N95 chỉ sử dụng trong những trường hợp đặc biệt dành cho nhân viên y tế khi làm các thủ thuật tiếp xúc, tạo giọt bắn mà nó có nguy cơ lây nhiễm rất cao thì mới cần đến khẩu trang N95. Trong trường hợp không có khẩu trang N95 thì mình sẽ sử dụng khẩu trang y tế thường hoặc khẩu trang vải thông thường. Thực ra thì việc mà mình đeo khẩu trang như thế thì vai trò thứ nhất là ngăn ngừa khả năng Covid-19. Có rất nhiều trường hợp nhiễm nhưng không có triệu chứng thì ý nghĩa lớn nhất là nó sẽ ngăn lây.  Nếu mình có nhiễm rồi ngăn không lây ra cộng đồng. Theo tôi thì cũng không nhất thiết sử dụng khẩu trang quá nhiều lớp.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 8.

MC Lã Trang:  Vâng. Chúng tôi có nhận được cả một câu hỏi của bạn Mỹ Thanh tại Australia.  Bạn ấy có hỏi rằng nếu không dùng khẩu trang N95, chúng ta đeo khẩu trang y tế thông thường theo bác sĩ Mai thì bao nhiêu lâu chúng ta thay khẩu trang một lần thì hợp lý ạ?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Đối với tất cả các loại khẩu trang, đặc biệt là khẩu trang y tế, thế thì trong một điều kiện hoàn toàn bình thường thì tối đa là 8 tiếng thì khẩu trang sẽ còn phát huy được tác dụng. Sau 8 tiếng thì sẽ không phát huy tác dụng nữa. Tuy nhiên có những trường hợp đặc biệt mà làm cho cái khẩu trang nó sẽ bị ẩm ướt sớm hơn 8 tiếng. Hoặc là mình đi qua những vùng có nguy cơ lây bệnh cao thì mình nên thay sớm.

MC Lã Trang:  Chúng ta nên thay khẩu trang như bác sĩ nói là nhiều nhất là 8 tiếng thôi, đúng không ạ? Có nhiều nơi không hề dễ mua khẩu trang y tế. Với rất nhiều nước cũng như Việt Nam, mọi người chuyển từ khẩu trang y tế sang khẩu trang vải kháng khuẩn. Khẩu trang này thì chắc chắn là mọi người sẽ tái sử dụng nhiều lần. Vậy thì vấn đề là chúng ta sẽ tái sử dụng nó như thế nào ạ, thưa bác sỹ Mai?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:  Nếu như chúng ta là người bình thường mà không bị nhiễm virút Corona thì cái khí mà chúng ta thở ra đấy, nó sẽ hoàn toàn là khí sạch, không nhiễm virút. Như vậy thì cái mặt trong của cái khẩu trang sẽ rất là sạch. Còn mặt ngoài là chúng ta sẽ không khẳng định được là nó còn sạch hay không nên việc muốn tái sử dụng thì việc chúng ta tháo ra như thế nào cũng rất quan trọng. Khi tháo ra thì chúng ta chỉ nên sờ vào dây bên tai thôi và không được sờ vào mặt trước của khẩu trang. Sau đó thì chúng ta sẽ tháo khẩu trang ra rồi mình sẽ gập mặt trong của khẩu trang ra ngoài. Còn mặt ngoài chính là mặt bẩn thì sẽ được nhập vào trong. Sau đó thì mình sẽ cho cái khẩu trang đó vào trong dung dịch sát khuẩn. Nếu có điều kiện thì mình cũng có thể chuẩn bị một cái túi ni lông trong đấy đã có sẵn cái dung dịch sát khuẩn.

Tuỳ theo dung dịch của các nhà sản xuất, người ta sẽ khuyến cáo là mình nên đến đó bao nhiêu lâu sau đó thì khi mang về đến nhà, mình có thể lấy khẩu trang để ra và cho vào giặt bằng xà phòng bình thường. Sau đấy phơi khô và mình lại có thể dùng lại. Tốt nhất là lại xếp vào một cái hộp hay một cái túi nào đó cho sạch sẽ.  Đến lúc mình lại tái sử dụng lại phải thay theo đúng thời gian chứ không phải là đeo cả 24 giờ một cái khẩu trang đấy.

MC Lã Trang:  Tôi nghĩ rằng những thông tin này sẽ là vô cùng hữu ích. Mỗi chúng ta nên có những thói quen để có thể giữ gìn vệ sinh an toàn với khẩu trang. Còn bây giờ  chúng ta sẽ tiếp tục đến với những câu hỏi của quý vị khán giả liên quan đến vấn đề tẩy trùng và phòng tránh lây nhiễm. Chúng tôi muốn gửi tới đầu tiên là bác sĩ Khiêm. Có khán giả hỏi rằng trong trường hợp mà các bạn phải ra ngoài thì các bạn cần mặc đồ như thế nào để phòng tránh Covid-19? Khi mà từ ngoài trở về nhà thì cần phải tẩy trùng như thế nào cho đúng cách ạ?

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Trong trường hợp nào đi ra ngoài mà nguy cơ lây nhiễm cao, sau khi về nhà thì quần áo của mình nên được tháo bỏ vào máy giặt ngay máy giặt hoặc giặt bằng xà phòng thì virút sẽ bị tiêu diệt.

MC Lã Trang:  Bây giờ tôi thấy rằng một số nước thì bắt đầu nới lỏng giãn cách rồi, Việt Nam chúng ta cũng vậy, mọi người bắt đầu đi máy bay, phương tiện công cộng nhiều hơn. Có bạn khán giả hỏi là khi đi máy bay thì cần mặc như thế nào, quần áo ra sao để có thể phòng tránh lây nhiễm. Xin hỏi bác sĩ Mai ạ.

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Khi đi máy bay trong thời gian mà đang có bệnh dịch như thế này thì rõ ràng là nếu mà thực hiện được những biện pháp cách ly thì vẫn rất tốt. Nếu có điều kiện thì các bạn có thể đeo khẩu trang y tế, nhưng tôi nghĩ chắc là nó cũng sẽ rất là khó. Mình có thể dùng khẩu trang bình thường và sát khuẩn tay. Một số người khá cầu kỳ thì có thể mặc những quần áo chống dịch nhưng tôi nghĩ những cái đó cũng rất khó mua và rất bất tiện. Thế thì mình cũng có thể là mình mặc quần áo bình thường thôi, nhưng khi đã về đến nhà mình có thể thay ngay cái bộ quần áo đấy ra. Đặc biệt là lưu ý đeo khẩu trang phải thật là đúng cách, đủ thời gian và sát khuẩn tay.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Xin bổ sung về trường hợp như thế này. Thực ra tốt nhất là trong trường hợp khi dịch đang lan ra cộng đồng thì mọi người hạn chế không nên đi máy bay. Vì trong máy bay là môi trường, điều kiện cực kỳ dễ lây nhiễm và tôi khẳng định lại là không có trang phục thông thường nào có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm trên máy bay. Chỉ trong trong trường hợp bắt buộc mà phải đi máy bay. Ví dụ nhân viên y tế hay nhân viên hàng không đi đón người nước ngoài về. Trong trường hợp đó cần phải được trang bị các phương tiện bảo hộ cá nhân giống như là nhân viên y tế làm tiếp xúc khi phơi nhiễm cao. Ví dụ như quần áo bảo hộ hay đeo khẩu trang N95. Như thế cũng chỉ làm giảm nguy cơ thôi, chứ vẫn còn nguy cơ cao.  Vì thế, bản thân tôi thì khuyến cáo thì trong trường hợp mà dịch đang lan tràn khắp nơi, có dịch khống chế được cái tốt nhất là mình không nên đi máy bay.

MC Lã Trang:  Vâng. Thưa quý vị! Rất nhiều chuyên gia đã khuyến cáo rằng trong thời gian dịch bệnh, chúng ta cũng nên hạn chế tối đa việc di chuyển, nhất là di chuyển đường dài như đi máy bay. Thưa hai bác sĩ, chúng tôi đã nhận được một câu hỏi và câu hỏi này chúng tôi xin được tiếp tục gửi tới cho bác sĩ Khiêm ạ. Thưa bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì có hỗ trợ từ xa cho những người nghi mắc Covid 19 không ạ?

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chúng tôi nhận nhiệm vụ chính là tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Ngoài ra thì những việc khác như chúng tôi tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, tiến về hướng dẫn các tuyến dưới chuẩn đoán, điều trị bệnh nhân Covid-19.  Còn trước thời điểm ban đầu, khi dịch mới xuất hiện, tại bệnh viện cũng có một tổng đài, đường dây hỗ trợ khách hàng. Chúng tôi có phục vụ tư vấn các thắc mắc của người Việt Nam, giải  đáp các thắc mắc liên quan đến Covid-19. Bây giờ tình hình dịch bệnh đã đỡ hơn rồi thì một số bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện cũng có tham gia hỗ trợ người Việt ở nước ngoài dưới tư cách tình nguyện hoặc cá nhân bằng nhiều hình thức. Ví dụ như tham gia trong các buổi tư vấn trực tiếp cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước như Hoa Kỳ hay Nga.

MC Lã Trang:  Thưa bác sĩ Mai, có câu hỏi tiếp theo của 1 bạn khán giả. Bạn hỏi có ý kiến cho rằng Việt Nam nằm trong dải khí hậu nhiệt đới mùa và bình quân nhiệt độ hằng năm là khá cao thì nên virút khó phát triển. Về điều này thì có đúng không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:   Thực ra Covid-19 là một loại virút mới mà cả thế giới vẫn còn chưa rõ về cơ chế bệnh sinh, cơ chế lây truyền của con virút này. Có rất nhiều những bài nghiên cứu mà chúng tôi được đọc. Họ nói nếu mà trong cái khí hậu khô và lạnh thì virus sẽ sống được lâu hơn. Còn trong khí hậu ẩm và nóng thì virút sẽ nhanh bị tiêu diệt hơn. Tuy nhiên, điều đấy làm cho tôi bị lung lay khi mà vừa rồi ở Singapore khí hậu hoàn toàn là nóng giống y như trong thành phố Hồ Chí Minh nhưng tại sao lại bị dịch bệnh vẫn cứ bùng lên như vậy thì như vậy. Bởi vì còn rất nhiều điều khó hiểu về con virút này. Cho nên chúng ta cũng không thể chủ quan được. Mặc dù là khí hậu của chúng ta như thế nhưng nếu không  đảm bảo được cách ly tốt thì chắc là dịch bệnh vẫn cứ bùng lên và chúng tôi chắc cũng không được nghỉ ngơi như thế này.

Tọa đàm trực tuyến: Giải đáp thắc mắc về Bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài thời COVID-19 - Ảnh 9.

MC Lã Trang:  Tôi nghĩ rằng chúng ta không được chủ quan kể cả trong thời điểm này Việt Nam chúng ta có thể nói tạm thời khống chế được dịch bệnh. Một câu hỏi nữa của khán giả gửi về cho chúng tôi là hiện nay nhiều người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài đang lo lắng cho sức khoẻ của bản thân và gia đình. Bởi vì hệ thống y tế ở các nước sở tại thì lâm vào tình trạng quá tải, không thể chữa trị được hết cho các bệnh nhân Covid-19. Liệu có cách nào giúp cho những người Việt Nam ở nước ngoài giải toả căng thẳng về tâm lý ở thời điểm này không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: Theo tôi thì trước hết thì bản thân chúng ta cần phải hiểu rõ rõ hơn về bệnh này, nguy cơ về khả năng lây nhiễm các biểu hiện như thế nào cần thì sẽ cần đến sự hỗ trợ y tế. Chúng ta cần phải có các kênh thông tin. Tôi nghĩ bây giờ với mạng phát triển thì các bạn cũng có thể tìm những kênh của Việt Nam để xem. Chúng tôi cũng đã từng phối hợp tư vấn với cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ và cũng đã làm thành một cái cẩm nang các câu hỏi, các vấn đề thường gặp trong tình huống đại dịch này. Các anh chị cũng có thể liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ tổng hợp rất nhiều câu hỏi, sẵn sàng chia sẻ để mọi người sẽ hiểu rõ hơn, mình sẽ đỡ căng thẳng, lo lắng hơn.

MC Lã Trang:  Đây cũng là một trong những mục đích khi chúng tôi thực hiện chương trình. Vâng. Thưa hai bác sĩ, có vấn đề mà rất nhiều khán giả quan tâm. Đó là vấn đề chúng ta đã có hay chưa có vắc-xin chống lại  virút SARS-CoV-2. Hai câu hỏi này xin được gửi tới bác sĩ Mai ạ.

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:  Toàn thế giới hiện nay đang chạy đua với cuộc đua là để sản xuất vắc-xin. Việc sản xuất vắc xin là cực kỳ quan trọng, nếu có vắc-xin thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên sản xuất vắc-xin thì sẽ phải có thời gian vì để sản xuất được một loại vắc-xin thì người ta sẽ phải tìm ra được kháng nguyên. Người ta sẽ phải làm sạch các kháng nguyên, rồi người ta sẽ bổ sung tá dược, đóng gói, để sau đó thì lại còn phải thử nghiệm trên động vật trên, rồi thì mới đến giai đoạn là thử nghiệm trên người. Nếu như vắc-xin mà thành công thì đấy là điều may mắn. Việt Nam đã đang giai đoạn thử nghiệm trên động vật và để chuyển sang giai đoạn thử nghiệm trên người nữa thì sẽ phải có thời gian và để đánh giá được tác dụng phụ của thuốc. Bất kỳ loại thuốc nào và đặc biệt là vắc-xin thì việc đánh giá tác dụng phụ là vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên ở Việt Nam thì tôi cũng được nghe nói là mọi quy trình để sản xuất ra vắc-xin là cũng đang được cố gắng, được xúc tiến rất nhanh, đặc biệt là đến bây giờ đã đến giai đoạn thử nghiệm trên động vật cũng là rất nhanh, nhưng vì dịch bệnh cũng chưa được 1 năm. Thế thì cũng rất hy vọng là các nhà sản xuất vắc-xin của chúng ta sẽ thành công.

MC Lã Trang:  Vâng, như vậy cho đến khi nào mà chúng ta tìm ra được vắc-xin thì chắc chắn rằng từ giờ đến lúc đấy chúng ta vẫn sẽ phải tiếp tục sống chung với dịch bệnh mà thôi. Không có cách nào khác. Chúng ta không thể nói cụ thể là thời điểm nào chúng ta sẽ tìm ra được vắc-xin. Vậy bác sĩ Mai có lời khuyên gì cho đến khán giả của chúng tôi trong phòng bệnh Covid-19?

Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương:  Chắc chắn là trong thời hiện nay thì chúng ta sẽ phải luôn luôn là cảnh giác Covid 19. Chúng ta tuân thủ cách ly cho thật là đúng cách. Như vậy thì chúng ta sẽ không bị lây nhiễm. Còn chờ đến lúc có vắc-xin hay có gì khác thì chúng tôi chưa biết bao giờ thì chúng ta hãy tạo thói quen cách ly an toàn.

MC Lã Trang: Tôi tin là rất nhiều quý vị khán giả đã tìm được câu trả lời cho mình thông qua chương trình này. Hi vọng, những thông tin này sẽ giúp quý vị yên tâm hơn, và biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân để vượt qua dịch bệnh.

Lên trên

KHÁCH MỜI THAM DỰ

Ý kiến / Tương tác
    Xem Thêm
    Gửi
    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước