Bài chòi Bình Định là sản phẩm của nhân dân lao động, tồn tại bền bỉ kể từ khi mảnh đất này trở thành vùng đất Đại Việt, đến nay đã hơn 600 năm. Từ Bình Định, nó lan tỏa ra các vùng phụ cận như hiện nay. Bài chòi trở thành hội đánh Bài chòi của người dân mỗi độ xuân về.
Bộ bài chòi có 30 thẻ, thường có 9 chòi được dựng lên. Người chơi bốc trúng thẻ bài nào sẽ hát câu thai kể một câu chuyện vui để đưa đến đích là tên thẻ bài đó. Các câu thai được hô trong hội Bài chòi là những câu ca dao, tục ngữ đậm tính giáo dục và nhân văn mang nội dung khuyên răn con người theo truyền thống dân tộc, hoặc đó là những lời tỏ tình của đôi lứa... được lấy từ thơ ca dân gian mang tính đả kích, hóm hỉnh trào phúng hoặc phê phán…
Vừa qua, nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Để tuyên truyền cho sự kiện này, lãnh đạo Ban Văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam đã có những chỉ đạo kịp thời và giao cho êkip của chuyên mục Dân ca Việt Nam thực hiện.
Chúng tôi đã nhanh chóng lên đường vào Quy Nhơn - Bình Định để sản xuất chương trình với mong muốn giới thiệu môn nghệ thuật độc đáo này tới đông đảo quần chúng nhân dân cả nước. Sau khi xuống máy bay và đi taxi vào thành phố, người đầu tiên tôi tìm gặp là nghệ nhân Hoàng Việt, anh là một trong những người đã có rất nhiều đóng góp cho nghệ thuật Bài chòi của quê hương Bình Định và là một nghệ nhân hát Bài chòi cổ hàng đầu tại nơi đây.
Sau một hồi bàn bạc và thống nhất thì tôi và anh Hoàng Việt cũng đã mời được các nghệ nhân tham gia chương trình. Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến mảnh đất Quy Nhơn này nên không khỏi có đôi chút bỡ ngỡ, nhưng trước sự nhiệt tình và hồ hởi của các nghệ nhân thì giây phút đó đã trôi qua nhanh chóng, thay vào đó là những nụ cười ấm áp và những câu chuyện về nghệ thuật Bài chòi được các nghệ nhân bày tỏ.
Tôi có hỏi nghệ nhân Hoàng Việt về thực trạng bảo tồn và kế thừa nghệ thuật hát Bài chòi hiện nay, anh đã không giấu được những băn khoăn của bản thân, anh tâm sự : "Nói thật hiện nay đang rất thiếu những bạn trẻ tiếp nối nghệ thuật cổ quý báu của ông cha để lại. Sau nghệ nhân ưu tú Minh Đức, nghệ nhân Trần Hữu Phước và các nghệ nhân hiện nay thì thực sự không có ai tiếp nối Bài chòi cổ, bởi độ khó của Bài chòi cổ không phải ai cũng có thể hát được cũng như có đủ tâm huyết để đi theo con đường này".
BTV Đoàn Thu Trà và Nghệ nhân ưu tú Minh Đức.
Qua tìm hiểu tôi được biết, theo thời gian, những kế thừa và sáng tạo về âm nhạc, về nghệ thuật sân khấu trong Bài chòi đã dần đưa nghệ thuật này đến mức độ hoàn thiện hơn, chỉn chu hơn, bớt những điểm yếu như hát cương, ngẫu hứng... Nhưng đối với Bài chòi nói riêng, thể loại âm nhạc dân gian nói chung, tính sáng tạo, ngẫu hứng trong diễn xướng vẫn là đặc điểm khá phổ biến, đôi khi là đặc trưng của thể loại. Đây cũng là điểm cần bảo tồn đối với các thể loại nghệ thuật truyền thống nói chung và Bài chòi nói riêng. Vì vậy, Bài chòi cần được bảo tồn cả dưới hình thức trò chơi dân gian lẫn hình thức sân khấu kịch hát dân tộc. Đây là một nghệ thuật sân khấu tổng hợp, thể hiện truyền thống văn hóa người Việt dưới hình thức nghệ thuật đặc thù, có âm nhạc riêng gắn liền với phong cách, ứng xử, âm điệu tiếng nói của người dân Liên khu V và Bình Định. Theo như kế hoạch triển khai chương trình, ngay ngày hôm sau, tôi và các nghệ nhân đã có mặt tại phòng thu để thu thanh một số làn điệu Bài chòi cổ trong chương trình.
Tôi được nghe các cô, các anh chị hát như rút ruột của mình ra, họ hát bằng tất cả tình yêu đối với vốn cổ của các cụ ngày xưa để lại. Đêm hôm đó, sau khi thu thanh xong, được biết Nghệ nhân ưu tú Minh Đức đã đi quãng đường 30km từ nhà đến chỗ thu thanh thì tôi đã khẩn khoản mời bà ở lại nghỉ đêm tại khách sạn chỗ chúng tôi đang ở để sáng hôm sau đi ghi hình sớm.
Đêm hôm đó tôi có dịp được chuyện trò rất lâu cùng bà. Nghệ nhân ưu tú Minh Đức bộc bạch rằng bà đã có nhiều năm theo nghệ thuật hát Bài chòi và đã truyền dạy cho các nghệ nhân như Hoàng Việt, Nguyễn Phú...
Nghệ nhân ưu tú Minh Đức là một nghệ nhân có tiếng của Bình Định nhưng bà phải sống rất chật vật bằng nghề lượm ve chai hay buôn bán lặt vặt để sống qua ngày nhưng vẫn luôn lạc quan hát vang những câu hát Bài chòi và đau đáu với nghệ thuật cổ.
Cảnh quay làn điệu Bài chòi tại hiện trường.
Nghe những tâm sự này tôi rất xúc động và thực sự khâm phục về sự say nghề của bà nói riêng và của các nghệ nhân Bài chòi nói chung, cảm thấy lo lắng cho môn nghệ thuật đang có nguy cơ thất truyền và đời sống của các nghệ nhân chưa được quan tâm đúng mức.
Tôi chợt ước giá như các làn điệu Bài chòi có được sự truyền khẩu tới các thế hệ trẻ hôm nay thông qua các lớp học hát Bài chòi, để cho những câu hát đó được vang vọng mãi tới lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau thì thật đáng quý biết bao. Điều đó rất cần có những hành động cụ thể và kịp thời của ngành Văn hoá để gìn giữ Bài chòi như một nét riêng, một giá trị riêng của Bình Định và các tỉnh Nam Trung Bộ.
Chương trình mà chúng tôi thực hiện được mang tên "Âm vang nghệ thuật Bài chòi" hi vọng sẽ mang đến cho quý vị khán giả những hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật Bài chòi bởi bên cạnh các tiết mục thể hiện của các nghệ nhân thì còn có sự giao lưu giữa người dẫn chương trình là MC Mỹ Vân và các khách mời là nghệ nhân và nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian để có những phân tích sâu hơn về các làn điệu và giúp cho khán giả hiểu được nghệ thuật Bài chòi có những đặc điểm như thế nào, cái hay và độc đáo của Bài chòi ra sao.
Chương trình Dân ca nhạc cổ mang tên "Âm vang nghệ thuật Bài chòi" được phát sóng vào 30/6/2018 trên kênh VTV1. Mời quý vị chú ý theo dõi!