BTV Hoàng Linh: “Máu liều” giúp tôi hoàn thành phóng sự

NT, Ảnh: Nhân vật cung cấp-Thứ bảy, ngày 16/03/2013 06:56 GMT+7

BTV Lê Hoàng Linh (Ban Truyền hình đối ngoại) đang tác nghiệp

 Là tác giả của phóng sự về hang Sơn Đoòng được vinh dự phát sóng trên Đài Truyền hình Đức DW, BTV Lê Hoàng Linh cho biết, chính “máu liều” đã giúp anh hoàn thành tác phẩm.

Cảm xúc của anh như thế nào khi biết phóng sự về động Sơn Đoòng là một trong số những phóng sự xuất sắc nhất được phát sóng trên Truyền hình Quốc gia Đức DW?

BTV Lê Hoàng Linh: Khi biết phóng sự về hang Sơn Đoòng của mình được chương trình World Stories của Deutsche Welle (DW-Đức) lựa chọn là một trong những phóng sự xuất sắc nhất trong hơn 300 phóng sự gửi về một năm vừa qua, tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Tự hào bởi DW là một kênh truyền hình uy tín của thế giới và việc hình ảnh của thiên nhiên Việt Nam hùng vĩ được quảng bá trong chương trình sẽ thay nhiều bài viết để đem Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Còn hạnh phúc là khi tôi nghĩ lại những giây phút mệt mỏi đến tê dại và nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có được sản phẩm thuyết phục được những biên tập viên khó tính của kênh truyền hình quốc tế.

Vậy cảm xúc của anh khi biết sẽ tác nghiệp cùng nhà thám hiểm hang động người Anh, ông Howard Limbert?

BTV Lê Hoàng Linh: Vào tháng 2/2012 tôi được giao thực hiện một nhiệm vụ rất thú vị: theo chân ông Howard Limbert - một nhà thám hiểm hang động của Anh để đi ghi hình trong hang Sơn Đoòng - hang giữ kỷ lục là hang lớn nhất thế giới cho đến nay. Ngay khi biết mình sẽ được theo chân một người có bề dày 40 năm kinh nghiệm đi hang ở khắp nơi trên thế giới để cùng khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam, tôi đã cảm thấy vô cùng hào hứng và thích thú, chắc mẩm đây hẳn sẽ là chuyến đi đáng nhớ của cuộc đời.

‘ Hình ảnh hậu trường trong quá trình BTV Hoàng Linh ghi hình ở hang Sơn Đoòng

Việc ghi hình trong hang động có như anh hình dung trước đó?

BTV Lê Hoàng Linh: Chỉ ít phút sau khi nhận nhiệm vụ, tôi nhận ra rằng đây không hề là một điều đơn giản. Ông Howard viết cho tôi một bức thư rất dài, liệt kê ra tất cả những thứ mà tôi cần chuẩn bị cho 3 ngày đi xuyên rừng: xà cạp, dép rọ, túi ngủ, chăn, mũ bảo hiểm... Các thầy giáo ở Khoa Địa lý của Trường Đại học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội, những người đã cùng đi rừng với ông Howard trong suốt 22 năm qua cũng chia sẻ với tôi những khó khăn họ đã từng gặp phải như việc thay đổi nhiệt độ liên tục khi đi trong hang, cách đối phó với vắt rừng hay tầm quan trọng của việc chuẩn bị thể lực trước chuyển đi. Họ cũng kể thêm về 2 người trong đoàn từng suýt bị lũ cuốn trôi trong chuyến thám hiểm năm 2008.

Nhưng cuối cùng, anh vẫn quyết định thực hiện phóng sự về động Sơn Đoòng?

BTV Lê Hoàng Linh: Để tìm hiểu kĩ hơn, tôi đã xem tất cả những tấm ảnh họ chụp lại trong những chuyến đi trước, đọc tất cả những tài liệu liên quan và xem chương trình của những đoàn làm phim nước ngoài trước đó. Dù có đôi chút do dự, tôi vẫn quyết định lên đường bởi đây là cơ hội có một không hai để có được những hình ảnh đắt giá của chương trình. Sau này nhìn lại tôi mới biết là lúc đó tôi chỉ có máu nghề nghiệp cùng với “máu liều” chứ chưa thể tưởng tượng hết sự nguy hiểm và gian truân của những người đi rừng mạo hiểm như thế nào.

Theo anh, để có được một tác phẩm phát trên sóng của các đài danh tiếng trên thế giới thì cần phải có những tiêu chí nào?

BTV Lê Hoàng Linh: Những phóng sự được lựa chọn phát sóng trên những đài danh tiếng thường khá khắt khe. Họ đòi hỏi không những chuẩn chỉ về mặt hình ảnh, âm thanh mà nội dung cũng phải đặc biệt. Câu chuyện mà phóng viên kể phải mang tính toàn cầu (global), nghĩa là người xem ở nơi nào cũng phải đồng cảm với nội dung trong đó ví dụ như thiên nhiên, nghệ thuật, đặc biệt là nhân văn. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng phải rất riêng biệt, mang tính địa phương (local) mà chỉ nơi phóng viên đến mới có.

Chính vì vậy, qua nhiều lần gửi tin bài, chúng tôi đã rút ra được công thức để được lựa chọn đó là glocal (global+local), tức là tin bài đặc trưng địa phương nhưng câu chuyện lại phải mang ý nghĩa quốc tế, đem lại sự hứng thú cho khán giả ở mọi nơi trên thế giới. Đây cũng là tiêu chí để nhiều giải thưởng quốc tế đánh giá và trao giải cho các chương trình truyền hình xuất sắc.

Cám ơn anh!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước