Các tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện

Phi Long (Ảnh: Tạ Hiển)-Thứ bảy, ngày 18/03/2023 19:59 GMT+7

VTV.vn - Đó là đánh giá chung của các Ban Giám khảo đối với những tác phẩm dự thi ở 11 thể loại của Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 41 diễn ra từ ngày 15/3 - 18/3 tại Hải Phòng. Với 714 tác phẩm dự thi, LHTHTQ lần thứ 41 được đánh giá có số lượng tác phẩm tăng vượt trội, nhiều nhất từ trước đến nay.

Bà Lê Hải Anh - Quyền Trưởng Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo - cho rằng: "Với thời lượng gần 1.600 phút cho 82 tác phẩm, LHTHTQ lần thứ 41 được đánh giá là kỳ Liên hoan có số lượng tác phẩm dự thi thể loại Chuyên đề - Khoa giáo nhiều nhất từ trước tới nay. Các tác phẩm có đề tài phong phú, đặc biệt ở các đài PT-TH địa phương có những thế mạnh về khai thác đề tài từ địa phương mình".

Các tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện - Ảnh 1.

Bà Lê Hải Anh - Quyền Trưởng Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo

Tại kỳ Liên hoan này, Ban Tổ chức đã thực hiện một số thay đổi, trong đó có việc bổ sung 2 thể loại mới là Phóng sự ngắn và Video trên nền tảng số, nâng tổng số thể loại dự thi lên 11.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Phó Giám đốc Đài PT-TH Đồng Tháp - thành viên Ban Giám khảo thể loại Phóng sự ngắn, sự trở lại của Phóng sự ngắn tại LHTHTQ tạo cơ hội rất tốt cho phóng viên tại các đài PT-TH địa phương. Với sự đa dạng đề tài từ địa phương, các đài PT-TH có nhiều điều kiện tham gia tranh tài ở thể loại này cũng như giúp đội ngũ phóng viên nâng cao tay nghề thông qua việc đầu tư cho các tác phẩm dự thi LHTHTQ.

Trong khi đó, ông Đinh Trần Việt - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Video trên nền tảng số - cho rằng, việc Ban Tổ chức đưa thêm thể loại mới là Video trên nền tảng số vào LHTHTQ là rất cần thiết, thể hiện sự bắt nhịp theo xu hướng của tất cả các cơ quan báo chí hiện nay, đó là chuyển dịch sang làm nội dung, phát triển và phân phối trên đa nền tảng.

Các tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện - Ảnh 2.

Ông Đinh Trần Việt - Giám đốc VTV Digital, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Video trên nền tảng số

Theo quy chế chấm thi của Ban Tổ chức, mỗi thể loại được các Ban Giám khảo đưa ra những tiêu chí riêng, tùy thuộc vào tính đặc thù, yêu cầu về nội dung, các thể hiện của tác phẩm.

Chia sẻ về thể loại đặc thù như phim tài liệu, NSND Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Phim Tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Phim tài liệu - cho biết: "Sau hơn 2 năm tạm cách quãng bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan, các tác phẩm phim tài liệu trên bình diện đại diện toàn quốc có dịp được gặp gỡ, cọ xát nhau qua sự góp mặt của 82 tác phẩm ở 2 dòng ngắn tập và dài tập. Quãng cách ấy cho phép các tác giả có được nhiều lựa chọn để tìm tòi, khám phá các đề tài để thực hiện những bộ phim của mình. Do đó, từ góc độ phạm vi thì những đề tài phim tài liệu lần này có được độ phổ quát lớn với nhiều góc độ, nhiều vấn đề của cuộc sống".

Các tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện - Ảnh 3.

NSND Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Phim Tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Phim tài liệu

Theo NSND Nguyễn Hoàng Lâm, có những phim tìm tòi, phát hiện khía cạnh mới, tâm thế mới của một câu chuyện, một sự kiện lịch sử; cũng có đề tài mang tính dấn thân trực diện vào những không gian - bối cảnh hiểm nguy; có đề tài hướng đến tệp khán giả nhất định; và nhiều đề tài đi vào câu chuyện nghệ thuật… Với nỗ lực của mình, các tác giả đã làm hẹp lại sự chênh lệch giữa các đơn vị từ phương tiện kỹ thuật, tâm thế tiếp cận vấn đề và đặc biệt là không còn hố ngăn cách về cách kể chuyện như nhiều năm trước đây nữa. Những phim mang tính tác giả, mang rõ nét tính sáng tác đã gia tăng hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Giám khảo thể loại Phim tài liệu cho biết, vẫn có những thiếu hụt khá đáng tiếc ở lựa chọn đề tài. Ví dụ như đề tài chống tham nhũng còn quá ít ỏi và không được đầu tư thực hiện tốt. Bên cạnh đó, những đề tài dạng tâm lý xã hội ở diện rộng sau cú sốc như đại dịch COVID-19 cũng chưa được khai thác, sau 2 năm mà đại dịch vẫn chỉ được nhìn và mổ xẻ ở khía cạnh hiện tượng. Đặc điểm đó cũng là hiện trạng ở nhiều tác phẩm với đề tài khác khi dừng lại ở phản ảnh đơn thuần và phóng sự hoá.

Các tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện - Ảnh 4.

Theo Trưởng Ban Giám khảo thể loại Phim tài liệu, sự chênh lệch trong tác phẩm giữa các đơn vị đã được thu hẹp

"Cũng có lẽ bởi nhiều phim tài liệu lai phóng sự nên từ góc độ nghiệp vụ làm nghề đã nảy sinh những hạn chế như công tác tổ chức hình ảnh, âm thanh đơn giản và dễ dãi. Khá nhiều phim còn mắc lỗi thiếu gắn kết giữa hình ảnh và lời bình hoặc ngược lại là quá lạm dụng thủ pháp phục dựng, khiến cho tác phẩm đánh mất sự chau truốt và tính chân thực. Với dòng phim dài tập, cách tổ chức serie dài chưa thực sự đúng với đặc tính của loại phim này. Thuộc tính hệ thống của cả serie và thuộc tính độc lập trong từng tập phim chưa được chú trọng để cấu trúc. Hiện tượng đem nhiều phóng sự của một chuyên mục ra tập hợp lại, hiện tượng thiếu tính liên kết giữa các tập bởi mỗi tác giả phân công chỉ quan tâm phần mình làm, hiện tượng bẻ phim dài thành các phim ngắn… vẫn còn khá nhiều, chủ đạo là thiếu "cây đũa" của nhạc trưởng chỉ huy tổng thể cả serie" - NSND Nguyễn Hoàng Lâm cho biết thêm.

Bà Lê Hải Anh - Trưởng Ban Giám khảo thể loại Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo - cho rằng: "Ban Giám khảo thể loại Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo đề cao tính phát hiện về đề tài mới, tính thể hiện và những vấn đề có tác động tới đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm tham gia dự thi đề cập tới các vấn đề về môi trường, sức khỏe, giáo dục… Tuy nhiên, các chương trình về chuyên đề đang chiếm số lượng lớn hơn so với các chương trình về khoa giáo. Nguyên nhân có thể là do các chương trình về khoa giáo cần sự đầu tư thể hiện nhiều hơn, từ công tác nghiên cứu cho tới công tác thể hiện hậu kỳ. Chúng tôi hy vọng trong những kỳ LHTHTQ tiếp theo, các chương trình khoa giáo được đầu tư nhiều hơn".

Các tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện - Ảnh 5.

Trưởng Ban Giám khảo thể loại Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo cho rằng, các chương trình về chuyên đề đang chiếm số lượng lớn hơn so với các chương trình về khoa giáo

Theo đánh giá của các Ban Giám khảo, nhìn chung, tác phẩm dự thi LHTHTQ lần thứ 41 có chất lượng đồng đều, đa dạng về đề tài và cách thể hiện. Trong số đó, nhiều thể loại đã thể hiện rõ sự đầu tư về cả nội dung và chất lượng hình ảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước