Cất cánh tháng 5 với chủ đề "Chuyển mình để bứt phá" là những câu chuyện về những con người họ dám từ bỏ những điều mình đang có, vượt qua giới hạn của hiện tại tiến đến một trạng thái mới bứt phá, phù hợp hơn với mục tiêu hoặc mong muốn của họ điều mà không phải ai cũng làm được. Chuyển mình là quá trình thay đổi hoặc phát triển đáng kể về tư duy và cảm xúc, hành vi hoặc tình trạng của một người hoặc một tập thể. Như vậy, chuyển mình nó có thể đến từ "mong muốn" chuyển mình để đạt được những kết quả lớn lao hơn, mang tính đột phá hơn, một sự phát triển vượt bậc hơn, đem đến những điều mới mẻ và tốt đẹp hơn cho nhiều người khác và xã hội. Nhưng chuyển mình cũng có thể đến từ "áp lực" bắt buộc với một thách thức đặt ra "chuyển mình hay dậm chân tại chỗ? thậm chí là tụt hậu?" .
Chương trình có sự tham gia của khách mời bình luận TS. Ngô Tự Lập - Viện trưởng viện quốc tế Pháp ngữ - là chuyên gia về ngôn ngữ học và giáo dục học. Ông là người sáng lập và giám đốc của Trung tâm ngôn ngữ và Văn hóa Pháp, đưa ra nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu về tiếng Pháp, đặc biệt trong quá trình đào tạo tiếng Pháp cho người nói tiếng Việt. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ tài năng. Những tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng và giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu về văn học và huân chương của Đức và Pháp.
Trong cuộc sống cũng như công việc không phải lúc nào cũng tiến lên phia trước đôi lúc cũng cần phải chậm lại, nhìn nhận lại một cách thấu đáo và tạo ra một thế chắc chắn và phát triển một cách bền vững để lấy đà cho những sự bứt phá tiếp theo. Câu chuyện mở màn Cất cánh tháng 5 là về một chàng trai trẻ, đôi lúc anh đã phải dẫn dắt dự án của mình chuyển mình để "sống sót' trong hoàn cảnh khó khăn và nạp năng lượng để tiếp tục trên con đường dài. Đó là Lê Yên Thanh Founder cũng như CEO ứng dụng BusMap, là một trong Under 30 năm 2021 của tạp chí Forbes Việt Nam.
Anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á năm 2013; giải Hornorable Mention cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC thế giới năm 2014; Huy chương Đồng cuộc thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC vòng khu vực châu Á năm 2014; Cúp vàng khối thi siêu cúp Olympic tin học sinh viên VN năm 2012; 4 năm liên tục nhận học bổng Odon Vallet; giải thưởng Quả cầu vàng năm 2014.
Lê Yên Thanh sinh năm 1994. Cách đây 6 năm Lê Yên Thanh sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Yên Thanh trở thành thực tập sinh tại Google (Mỹ) với mức lương 6.000 USD/tháng (tương đương 130 triệu đồng/tháng ở thời điểm đó). Kết thúc khóa thực tập, nhận được đề nghị ở lại làm việc cho Google, nhưng Yên Thanh đã bỏ qua cơ hội này để về nước khởi nghiệp.
Một trong những dấu ấn của Thanh trong 6 năm qua là đã gọi vốn thành công hơn 1,5 triệu USD cho startup của mình. Đó là dự án BusMap - bản đồ xe buýt online – một ý tưởng được Lê Yên Thanh xây dựng từ khi là sinh viên. Đến nay, ứng dụng Bus Map đã có mặt tại 6 tỉnh, thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Chiangmai và Bangkok. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể sử dụng các phương tiện giao thông công cộng tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm bằng nhiều tính năng như: tìm đường, tra cứu tuyến, xem vị trí xe theo thời gian thực di chuyển đa phương thức và đánh giá chất lượng.
Trong quá trình khởi nghiệp, thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Yên Thanh có thời gian suy nghĩ chậm lại để đưa ra được những hướng đi tốt hơn cho bản thân mình và công ty. Startup thì phải thay đổi mô hình kinh doanh và tiến hóa để "sống sót". Yên Thanh và mọi người phải học khá nhiều thứ mới và nghiên cứu những công nghệ mới. Dù không đạt được doanh thu đã đề ra nhưng về cơ bản startup cua Thanh đã vượt qua được khó khăn và có thành quả nhất định để thuyết phục được nhà đầu tư tin tưởng hơn.
Câu chuyện chuyển dịch để tạo ra những giấc mơ thành sự thật trên đường bay Cất cánh là của anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - đồng sáng lập Think Play Grounds, tạo gần 300 sân chơi bằng những vật liệu tái chế và thân thiện môi trường cho trẻ em.
Được thành lập từ năm 2014, TPG có mục tiêu tìm kiếm các giải pháp đơn giản, hiệu quả và sáng tạo để xây dựng các sân chơi cho trẻ em sinh sống trong trung tâm thành phố. Phương pháp hoạt động của nhóm bao gồm: phối hợp chặt chẽ với khu dân cư để dành lại một phần đất công cộng cho sân chơi, cùng các kiến trúc sư sáng tạo ra các thiết kế phù hợp, các thiết bị vui chơi từ vật liệu tái chế nhưng vẫn đảm bảo an toàn, độ bền và tính sáng tạo. Ngoài việc xây dựng các sân chơi, nhóm có các hoạt động khác như Playday để nhằm nâng cao nhận thức của người dân, workshop để mở rộng mạng lưới những người tham gia, phối hợp với truyền thông để tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền. Khác với những sân chơi chúng ta thường thấy, trong sân chơi phiêu lưu trẻ em không bị ràng buộc bởi các luật lệ. Các em có thể đốt lửa, đập phá hoặc tự xây đào đất thoải mái. Việc tương tác và tiếp xúc với các vật liệu thiên nhiên, ở ngoài trời, cũng giúp trẻ em có kết nối hơn với môi trường, khiến các em trở nên quan tâm hơn đến thiên nhiên và có ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Tính đến nay, đơn vị này đã thiết kế hơn 200 sân chơi bằng các vật liệu tái chế trên khắp cả nước. Năm 2022, Think Playgrounds (TPG) đã khởi xướng ý tưởng thiết kế và kiến tạo Bờ vở sông Hồng, chương Dương, Hà Nội thành công viên rừng với Tổng diện tích là 9000m2. Công viên rừng tại Chương Dương, Hà Nội là một mô hình tiên phong trong các không gian xanh đô thị để trẻ em có thể khám phá, vui chơi và học tập và trị liệu từ đó nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên và phát triển toàn diện về nhận thức, ngôn ngữ, cảm xúc sáng tạo cũng như kết nối xã hội. Đến nay công viên rừng đã là một nơi để cho các em học sinh tham gia trải nghiệm, với nhiều khu sinh thái tự nhiên, một nơi để chị em phụ nữ để có thể trồng cây và có thể thu hoạch quả, hội phụ nữ, mặt trận Tổ quốc đến sinh hoạt, quan trọng nhất là sự hình thành công viên rừng đã dọn được hơn 2 tấn rác thải, cải tạo cơ sở hạ tầng: đường dạo, đường kết nối, cống xả thải...
Nghệ sĩ Đào Tố Loan là giọng nữ cao (soprano) nổi bật của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chị tốt nghiệp bộ môn opera tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2014. Chị đã được nhận nhiều học bổng về opera tại CHLB Đức, Na Uy, CH Áo và đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước về opera.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở Thái Nguyên, đơn thương độc mã đến với âm nhạc. Không bao giờ nghĩ rằng một cô bé sinh ra từ ruộng đồng, chân lấm tay bùn, làm thuê đủ việc để kiếm sống một ngày nào đó lại được đứng trên sân khấu hát thể loại âm nhạc sang trọng này. Từ nhỏ, Tố Loan đã ước mơ được đi xa khỏi lũy tre làng, chạm tay tới những giấc mơ xa xôi hơn. Và mọi thứ đến như một cơ duyên. Âm nhạc, cứ thế ngấm vào Tố Loan từ ngày đó. Cô thi vào Nhạc viện và chọn dòng nhạc thính phòng. Càng hát, Tố Loan càng bị thứ âm nhạc quyến rũ và sang trọng ấy hấp dẫn. Năm 2011, chị dành giải Nhất cuộc thi Sao mai dòng nhạc thính phòng.
Đào Tố Loan cho biết, có lẽ do quá nhiều thăng trầm cuộc sống mà Loan rất trân trọng cơ hội được đến trường. Đến tận bây giờ vẫn có những thầy cô giáo nói rằng rất nhớ hình bóng của Tố Loan tới rất sớm ở trường để mượn phòng tập và lượn lờ buổi tối trên khoa thanh nhạc.
"Tôi chọn con đường âm nhạc, phải khổ luyện mới thành tài nên mình phải chăm chỉ mới có thể chạm đến ước mơ của mình. Chính vì sự chăm chỉ, tôi đã có những thành công đầu tiên", Đào Tố Loan chia sẻ.
Từ giải thưởng đầu tiên đó, cho đến nay, Đào Tố Loan đã chinh phục khá nhiều giải thưởng trong khu vực: giải Nhất cuộc thi Lyric Opera tại Singapore năm 2018, giải Nhì cuộc thi Âm nhạc mùa Thu (Việt Nam) và giải Ba - bảng chuyên nghiệp cuộc thi âm nhạc quốc tế MAP (MAP-IMC) năm 2019 và từng ra nước ngoài tu nghiệp. Có thể nói, chị là một trong những người đã góp phần đưa opera Việt Nam ra đấu trường khu vực cùng với những giọng ca thính phòng khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!