PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí

PV-Thứ ba, ngày 31/08/2021 06:37 GMT+7

VTV.vn - Trong tập đầu tiên của phim tài liệu "Chuyện ở thành phố thức", ê-kíp sản xuất đã ghi lại những hình ảnh chân thực nhất trong bệnh viện dã chiến số 6, TP Hồ Chí Minh.

Tất cả bắt đầu từ con số 0

Bối cảnh xuất hiện trong tập 1 của phim tài liệu Chuyện ở thành phố thức là bệnh viện dã chiến số 6, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Từ một khu tái định cư bỏ hoang, nơi đây đã được cải tạo thành bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. Hơn 1 tháng nay, có những căn phòng trong khu tái định cư này liên tục sáng đèn khi mà chỉ trước đó ít lâu nó đã bị bỏ hoang tới 5 năm. Không gian tối đen, im lìm đáng sợ suốt nhiều năm qua giờ đây lại trở thành nơi các bác sĩ cứu vớt, giành sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân.

Đây cũng là lựa chọn khả quan nhất của chính quyền khi cả TP Hồ Chí Minh đã trở thành một bệnh viện khổng lồ.

PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 1.

ThS.BS Võ Nguyên Bảo (Trung tâm ung bướu, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa điều trị nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6) chia sẻ về những ngày đầu khi đến đây: "Khi bước đến bệnh viện dã chiến, đó là một khu chung cư chỉ có phần khung. Mọi cái đều phải bắt đầu từ đầu, từ quy trình làm việc, công tác hậu cần, lo chỗ ăn ở cho các y bác sĩ và cả các bệnh nhân.

Chúng tôi vừa lo cho mình vừa lo cho bệnh nhân. Vì áp lực bệnh nhân bên ngoài quá đông và vì họ không còn thời gian nữa nên chúng tôi không thể tạo lập một bệnh viện hoàn chỉnh".

Phim tài liệu: Chuyện ở thành phố thức - Tập 1

Tất cả bệnh viện dã chiến khi đó chỉ có hơn 100 y bác sĩ và dân quân để bắt tay vào việc. Hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 đã được tiếp nhận trong điều kiện vật chất nhiều thiếu thốn. Thang máy chưa hoạt động được, các thiết bị chưa có bất cứ thứ gì. Mọi việc vận chuyển thiết bị y tế, toàn bộ đồ dùng của bệnh nhân đều phải mang vác bằng sức người. Các bác sĩ còn tự tay mình lau dọn mọi ngóc ngách chỉ mong sao có chỗ ở tạm ổn nhất cho các bệnh nhân đến đây điều trị.

PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 3.

Không chỉ là những con người tạo dựng nên bệnh viện dã chiến, các y bác sĩ còn trở thành nơi trút hết mọi sự cố và khủng hoảng tâm lý của các bệnh nhân.

Khi vào đây, chúng tôi vất vả vô cùng. Điều trị bao nhiêu con người, nhưng người ta còn kêu cả cơm nước, sinh hoạt, ở bẩn cũng kêu, quét nhà, lau nhà, đồ gì thiếu, nước chưa có cũng gọi, bồn cầu tắc cũng kêu toàn kêu bác sĩ và rồi cũng chính bác sĩ lại làm".

Bác sĩ Lê Xuân Giang (Khoa Tạo hình, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa bệnh nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6)


PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 5.

Bác sĩ Lê Xuân Giang (Khoa Tạo hình, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa bệnh nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6) cho hay: "Khi vào đây, chúng tôi vất vả vô cùng. Điều trị bao nhiêu con người, nhưng người ta còn kêu cả cơm nước, sinh hoạt, ở bẩn cũng kêu, quét nhà, lau nhà, đồ gì thiếu, nước chưa có cũng gọi, bồn cầu tắc cũng kêu toàn kêu bác sĩ và rồi cũng chính bác sĩ lại làm".

Tuy nhiên, dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng không khiến các y bác sĩ nản chí, nản lòng. Điều khiến họ cảm thấy bận lòng đó chính là đôi khi bệnh nhân lại không thể đồng cảm cho bác sĩ. Khi nguy cấp, bệnh nhân chỉ còn mỗi bác sĩ là chỗ bấu víu duy nhất nhưng không phải ai cũng hiểu được suy nghĩ, hành động của bác sĩ khi cận kề sinh tử.

ThS.BS Võ Nguyên Bảo (Trung tâm ung bướu, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa điều trị nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6) chia sẻ: "Mình làm ngành y dường như đã quá quen thuộc với mọi than phiền, trách móc khi mình đã tận tuỵ, hết sức nhưng đôi khi không có được hoàn toàn sự thông cảm và hài lòng của bệnh nhân và thân nhân. Chuyện đó cũng là thường gặp".

Lá chắn cuối cùng nắm giữ sự sống trước lằn ranh sinh tử

Dù chuẩn bị sẵn tinh thần trước khi đi nhưng các bác sĩ vào đây không thể tưởng tượng được thực tế lại khốc liệt như vậy. Chuyến đi dự kiến khoảng 2 tuần nhưng đã 4 tuần trôi qua và ngày về của điều dưỡng Nguyễn Thị Hòa cùng 32 y bác sĩ ở Bệnh viện Sản Trung ương dường như vẫn còn xa. Lúc này quan trọng hơn tất cả là tính mạng của các bệnh nhân. Làm việc ở khoa Cấp cứu 1, bệnh viện dã chiến số 6, chị Hòa khó có thể tin được những gì đang diễn ra.

PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 6.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hòa chia sẻ: "Với cường độ làm việc và chứng kiến các bệnh nhân trở nặng là lần đầu tiên tôi thấy ngoài sức tưởng tượng của mình. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra có căn bệnh nào ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân nhanh đến như vậy.

Tôi thấy bản thân mình nếu không vững vàng thì rất khó giúp được bệnh nhân. Nếu mình chú trọng bệnh nhân này quá thì bệnh nhân khác mất đi cơ hội nên chúng tôi phải làm việc thật nhanh để dành cơ hội cho bệnh nhân khác".

PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 7.

Bác sĩ Trương Việt Cường chưa một ngày nghỉ ngơi ngay cả khi bị nhiễm COVID-19. Có khác chăng anh phải làm việc trong khu điều trị bệnh nhân ở hai vai trò, một là tự chăm sóc cho mình với tư cách là một bệnh nhân F0 và hai là điều trị cho các bệnh nhân cùng tầng với tư cách là một bác sĩ. Không ai bắt anh làm thế nhưng lương tâm của một thầy thuốc khiến anh không dám nghĩ cho riêng mình. Hàng chục bác sĩ và nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện này bị nhiễm COVID-19 đều hành động như anh, họ là liều thuốc tinh thần cho các bệnh nhân đang trong cơn khủng hoảng tâm lý.

PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 8.

Bác sĩ Phan Trung Hiếu (Khoa Tạo hình, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa bệnh nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6) cùng với đồng nghiệp chuyển đến đây để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khác xa môi trường Bệnh viện Chợ Rẫy. Phòng nhỏ ít giường lại không có hệ thống oxy được thiết kế hoàn chỉnh, vì thế buộc phải hoán cải tăng thêm đầu oxy để oxy đến được với nhiều bệnh nhân hơn.

Lúc nào cũng có hàng trăm bệnh nhân suy hô hấp cần thở oxy. Trong khi đồng hồ oxy rất hiếm, và khi khó khăn thì sức sáng tạo lại được phát huy. Bác sĩ Hiếu đã nghĩ ngay đến đồng hồ chia van oxy thường sử dụng trong các hồ nuôi cá. Anh mày mò thử nghiệm và thành công, từ 1 van anh chia được 5, 6 đường oxy để phục vụ được 5, 6 bệnh nhân trên cùng một bình oxy. Bác sĩ Hiếu cũng không thể ngờ rằng có một ngày mình lại sáng tạo ra "phát minh" như vậy để cứu sống bệnh nhân.

Ngày nào cũng giống như một cuộc chiến

Môi trường khốc liệt của Bệnh viện Chợ Rẫy về chuyên môn đã được phát huy tác dụng tại đây. Các bệnh nhân trở nặng rất nhiều và ngày nào cũng như một cuộc chiến. Nhưng căng thẳng hơn với các bác sĩ còn là vấn đề chữa hay chuyển lên tuyến trên. Trước sự quá tải của bệnh viện, nếu chuyển sớm quá thì bệnh viện của mình an toàn nhưng lại gây quá tải cho các đồng nghiệp tuyến trên. Nếu giữ lại thì tất cả phải đối mặt với việc làm sao hồi sức được bệnh nhân.

PTL Chuyện ở thành phố thức - Tập 1: Bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào, không có lý gì lại nhụt chí - Ảnh 9.

Trước đại dịch như vậy, bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào nên không có lý do gì để nhụt chí, hay cầu an cho mình. Phải dấn thân, đó là trách nhiệm, là danh dự, lòng tự trọng

ThS.BS Võ Nguyên Bảo (Trung tâm ung bướu, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa điều trị nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6)

Bệnh nhân khó khăn lắm mới tới được bệnh viện mà khi suy hô hấp thì các bác sĩ lại không nỡ chuyển bệnh nhân. Họ cố gắng giữ bệnh nhân lại, hồi sức cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch rồi lại chuyển về điều trị bệnh nền. Đứng trước sinh mạng của bệnh nhân, trước sự quá tải của bệnh viện, các bác sĩ luôn phải có lựa chọn duy nhất giữa muôn vàn lựa chọn khó khăn khác.

Tất cả bác sĩ ở bệnh viện dã chiến số 6 đến từ nhiều nơi khác nhau như BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược, BV Sản Trung ương, BV Y Thái Bình. Họ cùng vào đây để tập trung về đây cứu người. Dù khác vùng miền, khác cách quản lý và nhiều điều nữa nhưng khi làm anh em bác sĩ đồng lòng làm cùng nhau, cùng va chạm và rút tỉa kinh nghiệm với nhau.

ThS.BS Võ Nguyên Bảo (Trung tâm ung bướu, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa điều trị nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6) nói: "Trước đại dịch như vậy, bác sĩ là tấm lá chắn để bệnh nhân dựa vào nên không có lý do gì để nhụt chí, hay cầu an cho mình. Phải dấn thân, đó là trách nhiệm, là danh dự, lòng tự trọng".

Bác sĩ Phan Trung Hiếu (Khoa Tạo hình, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa bệnh nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6) chia sẻ: "Khi đến đây mình biết mình là chiến sĩ rồi, chiến sĩ không có đường lùi chỉ có đi tới thôi, cứu được ai, làm gì cho họ là đêm về mình sung sướng".

Kết thúc tập 1 của bộ phim tài liệu, ca khúc Người đi trong bão - một sáng tác mà nhạc sĩ An Hiếu dành tặng phim vang lên. Những lời ca chứa đựng biết bao suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người "chiến sĩ áo trắng" và họ luôn tâm niệm rằng:

"Bao đớn đau xác thân, chẳng đong đếm

Anh đâu nghĩ anh là người anh hùng

Khi trái tim hát lên lời Tổ quốc

Non sông sẽ như điểm tựa trong lòng". 

Phim tài liệu: Chuyện ở thành phố thức - Tập 1

Khi đến đây mình biết mình là chiến sĩ rồi, chiến sĩ không có đường lùi chỉ có đi tới thôi, cứu được ai, làm gì cho họ là đêm về mình sung sướng

Bác sĩ Phan Trung Hiếu (Khoa Tạo hình, BV Chợ Rẫy - Phụ trách khoa bệnh nền và cấp cứu A4, BV dã chiến số 6)

Mời quý vị khán giả xem lại tập 1 của phim tài liệu ở video trên. Tập 2 của phim sẽ được phát sóng vào 20h30 hôm nay (31/8) trên kênh VTV1.

Ê-kíp sản xuất PTL 'Chuyện ở thành phố thức': Đã có lúc chấp nhận tiến thêm 1 bước, đi sâu vào nguy hiểm Ê-kíp sản xuất PTL "Chuyện ở thành phố thức": Đã có lúc chấp nhận tiến thêm 1 bước, đi sâu vào nguy hiểm Phim tài liệu 'Khúc quanh trong đại dịch': Cuộc chiến mới trên toàn cầu Phim tài liệu "Khúc quanh trong đại dịch": Cuộc chiến mới trên toàn cầu VTV Awards 2021: 'Cuộc đấu' ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc VTV Awards 2021: "Cuộc đấu" ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước