Đạo diễn Nhuệ Giang: “Không để cảnh nóng làm phiền khán giả”

Ngọc Trần (Theo VNexpress)-Thứ sáu, ngày 04/10/2013 17:30 GMT+7

 Nữ đạo diễn sinh năm 1957- Nhuệ Giang cho biết trong phim Trò đời chị hạn chế cảnh “nóng” của Đũi để không làm phiền khán giả.

Trò đời đã đi được nửa chặng đường. Khi xem lại phim trên sóng VTV1, chị thấy mình làm được và chưa được những gì?

- Những người bán hàng, hàng xóm ở khu phố tôi bảo: “Lâu lắm mới xem được một bộ phim hay”. Bạn bè thì nhắn tin động viên, khen ngợi. Phim làm trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều khi chúng tôi phải cãi nhau vì kịch bản viết thì nhiều mà thực tế những điểm quay ở Hà Nội thì hạn chế. Phần ngoại cảnh của Hà Nội không có nhiều, chúng tôi chỉ quay được ở phố cổ thiên đường Bảo Sơn, phố Tạ Hiện và một ít nhà Pháp, không có tiền đưa cả đoàn vào Hội An. Giá Hà Nội có trường quay, có thể chúng tôi sẽ làm khán giả thỏa mãn hơn.

Với phần nội cảnh, chúng tôi đã phải biến hóa rất nhiều. Một tòa nhà chỉ có ba phòng, chúng tôi phải làm thành 10 phòng, sử dụng những kỹ thuật điện ảnh để tạo sự phong phú cho phim. Bù lại, phục trang tạo được sự lịch lãm của Hà Nội thời xưa. Cách diễn xuất trong phim cũng không thô kệch, khiên cưỡng mà khá sinh động. Tất nhiên về mặt cốt truyện, phim truyền hình không thể tinh tế như phim điện ảnh, nhưng nếu xét ở góc độ một phim cổ thì tôi tin đây là phim hấp dẫn.

‘ Đạo diễn Nhuệ Giang và diễn viên Việt Bắc

Tuy đã rất cố gắng tránh những yếu tố hiện đại nhưng có ý kiến phàn nàn, chị vẫn để sót biển báo giao thông trong Trò đời. Chị giải thích ra sao?

- Tôi đã nghe thông tin về điều này nhưng tôi thấy nó không chuẩn xác. Việc có cột mốc cảnh báo mức nước ở sông Hồng không hề sai. Tôi tin cấp thoát nước thời Pháp tốt gấp nhiều lần Hà Nội ngày nay. Tôi không vô trách nhiệm đến mức để lọt một thứ của thế kỷ 21 vào phim đầu thế kỷ 20. Có thể các bạn thấy biển báo ấy ngày nay quá quen thuộc nên cho rằng nó chỉ có ở thời hiện tại thôi.

Vậy còn ý kiến cho rằng, con đường tha hóa của Đũi trong Trò đời diễn ra quá nhanh, khiến khán giả khó có sự đồng cảm đối với Đũi như trong Cơm thầy cơm cô, chị trả lời thế nào?

- Đó là phát biểu đơn lẻ của cá nhân và tôi cho rằng, không mang tính đại diện. Nên nhớ Đũi là một cô gái bị Tây hiếp, đặt trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam khi ấy có thể thấy, cuộc đời Đũi không còn nhiều hy vọng. Cô ấy rơi vào phận con sen, dưới đáy xã hội. Khi vào nhà trò, cô Đũi ngây thơ tin rằng hát ả đào sẽ được cung phụng, kiếm được tiền trả nợ gia đình và cho bố một vị trí ở làng. Cô ấy không biết đó là trò bán thân nuôi miệng. Đến cuối cùng khi bị đánh, ép tiếp khách, cô vẫn kiên quyết không chịu. Đũi bảo, bản thân bị Tây hiếp nhưng vẫn hoàn toàn là một cô gái, chưa từng bán thân. Tôi nghĩ nếu khán giả nào chăm chú xem phim sẽ hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của Đũi. Kiều từng bán mình chuộc cha nhưng có ai nghĩ cô ấy sa ngã vì bản chất xấu?

‘ Với cảnh Đũi bị hiếp hay cảnh phòng the của bà Phó Đoan, chị đều tiết chế hơn cả bộ phim tương tự được làm từ cách đây 20 năm. Nguyên nhân nào khiến chị e dè như vậy?


- Đây là phim truyền hình chiếu cho nhiều đối tượng khán giả. Nước ngoài có phân chia giờ chiếu, những phim có cảnh nóng được phát vào giờ không có trẻ con. Việt Nam chưa làm như thế. Trong cùng một buổi xem phim có từ ông già tới đứa trẻ, không nên để cảnh “nóng” làm phiền mọi người. Nếu chúng ta có giờ chiếu phim hạn chế và những cảnh “nóng” thực sự phục vụ cho câu chuyện phim thì tôi cũng không từ chối. Cảnh làm tình là những gì gần gũi với con người và điện ảnh vốn phản ánh chân thực đời sống.

Khi chị làm đạo diễn, chồng chị - đạo diễn Thanh Vân - giữ vai trò giám đốc sản xuất của Trò đời. Hai vợ chồng phối hợp với nhau như thế nào?

- Giám đốc sản xuất là người phải đứng ra lo liệu nhiều việc, từ bối cảnh đến êkíp. Anh Thanh Vân đã dùng mối quan hệ, tiếng tăm của mình để thuê bối cảnh với giá rẻ phù hợp với túi tiền của đoàn phim. Để tạo điều kiện cho vợ làm việc thì chắc anh phải nhiệt tình nhất rồi. Bản thân Thanh Vân từng làm nhiều phim cổ trong đó có Lều chõng. Tuy nhiên, chúng tôi đều tôn trọng quan điểm làm việc của nhau vì mỗi người là một tiếng nói riêng, góp ý thì góp nhưng không nghe thì cũng không sao (cười). Thế nên không có chuyện chúng tôi cãi nhau trên trường quay.

Ngoài ra Số đỏ còn là tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trong Phụng mà ai cũng vinh dự khi được đem nó lên màn ảnh nhỏ nên cả hai chúng tôi đều phải cố gắng để không ngượng với bản thân. Chính vì vinh dự này, Thanh Vân đã chấp nhận một khoản tiền công rất ít cho vai trò Giám đốc sản xuất. Bản thân tôi cũng cố gắng hết sức mình.

Trong buổi họp báo ra mắt Trò đời, đồng loạt diễn viên đều “tố” đạo diễn Nhuệ Giang khó tính. Vì sao chị lại khắt khe như vậy?

- Không phải phim này tôi mới thế đâu. Tôi nổi tiếng khó tính trong nhiều phim rồi. Một anh quay phim từng chơi chữ: “Nhuệ Giang chịu khó đến khó chịu”. Tính tôi ít nhân nhượng, lúc nào cũng yêu cầu các bộ phận phải làm việc tốt nhất. Các diễn viên cho rằng: "Quay ba đúp là quá mệt, hai đúp là được rồi, phim truyền hình chỉ cần thế thôi". Thế nhưng có những cảnh tôi yêu cầu diễn đi diễn lại bốn - năm đúp. Tôi nói với họ, nếu không muốn diễn nhiều, bản thân các anh chị phải làm việc rất tập trung.

Đa số tôi quay cảnh dài trong khi phim truyền hình (không chỉ ở Việt Nam mà cả nước ngoài) thường sử dụng những cảnh đối thoại cắt người này nói, người kia nói ghép vào cho nhanh. Tôi thì vẫn muốn áp dụng những gì mình đã làm với điện ảnh vào truyền hình. Thành ra đóng phim của tôi, diễn viên phải nhớ trường đoạn, quay hỏng mà làm lại thì rất mệt. Đa số anh chị lớn tuổi nghĩ họ nổi tiếng như vậy mà phải đóng tới ba đúp là quá đáng. Lúc quay mệt quá, họ căng thẳng nên kêu ca nhưng nếu yêu cầu của tôi không đúng, họ đã không làm theo.

Tại sao chị chọn những diễn viên nổi tiếng vào vai phụ trong khi lại chọn diễn viên trẻ chưa nhiều kinh nghiệm vào vai chính?

- Trước hết là hợp vai. Tôi muốn những ai am hiểu nhân vật trong truyện sẽ tán đồng với nhân vật trong phim vì họ xem đến đâu hình dung nhân vật tới đó. Trò đời là một phim có tính bi hài nên tôi chọn những vai phụ là những diễn viên đã có kinh nghiệm đóng hài như Minh Hằng, Quốc Anh, Quang Thắng… Trong khi đó, vai chính đều là thanh niên nên phải chọn những người ít tuổi, vì thế khó có thể yêu cầu họ nổi tiếng. Có thể sau phim này họ nổi tiếng chăng?

Rất nhiều người khi xem phim đã tán thưởng khả năng diễn xuất của Việt Bắc (Xuân Tóc Đỏ) và Bảo Thanh (Đũi). Hiện nay có hiện tượng nghệ sĩ bị thu hút vào Nam nhưng tôi thấy những diễn viên trẻ nổi tiếng ở miền Nam phần nhiều do truyền thông “thổi” chứ chưa chắc đã đóng nổi Xuân Tóc Đỏ. Tuy nhiên tôi vẫn nói với Bắc: "Cháu mới làm tròn vai thôi còn để sinh động, hấp dẫn thì cần đầu óc hơn nữa".

Cảm ơn chị!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước