Chương trình Sân khấu tại LHTHTQ lần thứ 39

Đạo diễn truyền hình - Nhân tố cuối cùng quyết định chất lượng của chương trình Sân khấu

T.K-Thứ bảy, ngày 14/12/2019 13:27 GMT+7

NSND Hoàng Dũng (trái) - Trưởng Ban giám khảo thể loại Chương trình Sân khấu tại LHTHTQ lần thứ 39

VTV.vn - Khâu chuẩn bị kịch bản; lực lượng diễn viên tham gia các vai diễn; chọn âm nhạc và đầu tư cho trang trí, phục trang cho vở diễn là các yếu tố cần được quan tâm đồng bộ.

Trong 4 ngày, từ ngày 09/12 đến hết ngày 12/12, Ban Giám khảo thể loại chương trình Sân khấu tại LHTHTQ lần thứ 39 đã xem, nhận xét, đánh giá, thảo luận và cho điểm 16 tác phẩm.

Theo NSND Hoàng Dũng - Trưởng ban giám khảo thể loại Chương trình Sân khấu tại LHTHTQ lần thứ 39, tuy chỉ 16 tác phẩm chương trình Sân khấu tham dự nhưng đã phản ánh được nhiều đề tài: lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta qua các triều đại phong kiến thời Trần, Lê đến nhà Tây Sơn và triều Nguyễn; cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hay những vấn đề, hiện tượng nổi cộm trong xã hội hiện nay.

Về chủ đề, tư tưởng của các tác phẩm, tất cả các chương trình Sân khấu (tuồng, chèo, cải lương, bài chòi) dù là đề tài lịch sử, dã sử hay dân gian, huyền thoại… đều tập trung thể hiện bốn đức lớn trong đạo trung quân, ái quốc, đó là: trung, hiếu, tiết, nghĩa; khuyến khích con người gìn giữ giềng mối cương thường trong quan hệ giữa Cha - Con; Vua - Tôi; Chồng - Vợ; và mối Nhân Luân trong quan hệ xã hội: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín! Hơn thế, ở một vài tác phẩm, chủ đề, tư tưởng của vở diễn đã vượt qua thủ pháp "mượn tích xưa, nói chuyện nay", từ đó, nhấn mạnh "vai trò, trách nhiệm của người nắm giữ vận nước phải biết hết lòng vì chúng dân trăm họ mà có những quyết sách đúng lúc, kịp thời nhằm có lợi cho dân, cho nước".

Nếu như các tác phẩm kịch nói với kết cấu kịch bản chặt chẽ, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật chọn lọc, sâu sắc; thủ pháp dàn dựng và ghi hình kỹ lưỡng, thì các tác phẩm còn lại đã phản ánh và đặt ra cách giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong các mối quan hệ xã hội như: trách nhiệm của người làm thầy, làm cha mẹ trước những sai trái của học trò, của con cái; hoặc người cán bộ, khi giải quyết công việc cho người dân phải luôn luôn thấu lý, đạt tình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Ở những cách thể hiện khác, tác phẩm đưa ra giải pháp chống nạn bạo hành - một vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội, đó là: muốn thoát khỏi nạn bạo hành thì mỗi một người phải tự trang bị cho mình những phương pháp hữu hiệu: "mình phải tự cứu mình trước khi người khác cứu".

Về chất lượng các tác phẩm, các giám khảo nhận định, để có một tác phẩm đạt chất lượng của loại hình Sân khấu tham dự LHTHTQ thì không phải chỉ có lòng nhiệt tình là đủ, mà trong đó còn có quá nhiều vấn đề khác phải được quan tâm đồng bộ như: chuẩn bị kịch bản; lực lượng diễn viên tham gia các vai diễn; chọn âm nhạc và đầu tư cho trang trí, phục trang cho vở diễn; và, nhân tố cuối cùng quyết định chất lượng của tác phẩm đó là đạo diễn truyền hình.

Vượt qua những đòi hỏi, thách thức nêu trên, với ý thức trách nhiệm cao, các đơn vị như: Ban văn nghệ - Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim truyền hình TP.HCM; Đài truyền hình TP.HCM đã dàn dựng, ghi hình và đem tới Liên hoan lần này những tác phẩm thực sự có chất lượng, chuyển tải được những vấn đề mà chúng ta đang hết sức quan tâm và đã được Ban Giám khảo thể loại Chương trình Sân khấu đánh giá cao.

Đạo diễn truyền hình - Nhân tố cuối cùng quyết định chất lượng của chương trình Sân khấu - Ảnh 1.

Ban giám khảo thể loại Chương trình Sân khấu tại LHTHTQ lần thứ 39 chấm thi

Tuy nhiên, Ban giám khảo cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của một số tác phẩm dự thi năm nay. "Trong nhiều ưu điểm của các tác phẩm dự thi về bố cục kết cấu kịch bản, thủ pháp dàn dựng, thủ pháp tạo dựng không gian sân khấu, sự kết hợp giữa các thành tố khác nhau để tạo nên thành công của một tác phẩm và tài năng diễn xuất của diễn viên, có thể nói rằng các tác phẩm thể loại Sân khấu dự thi LHTHTQ lần thứ 39 cũng còn những khuyết điểm là cần phải hết sức lưu tâm và khắc phục ở những kỳ LHTHTQ lần sau", NSND Hoàng Dũng - Trưởng ban giám khảo - cho hay.

Đại diện Ban giám khảo cho biết, một phần do điều kiện kinh phí thực hiện chương trình quá "eo hẹp" hoặc do quá trình chuẩn bị thiếu "chỉnh chu" nên hầu hết các chương trình dự thi của các Đài Truyền hình ở các địa phương đều phạm phải khuyết điểm rất giống nhau, đó là, ngôn ngữ của tác phẩm Sân khấu truyền hình quá ít; xuất hiện rất nhiều việc ghi lại (copy) toàn bộ vở diễn sân khấu, sau đó, cắt bỏ một vài lớp hoặc cảnh để thời lượng tác phẩm phù hợp với Quy chế của Ban Tổ chức Liên hoan. Những tác phẩm này không thấy thủ pháp dàn dựng, xử lý không gian sân khấu của đạo diễn truyền hình; không có sự kết hợp giữa trang trí, âm nhạc, ánh sáng và quay phim của một tác phẩm Sân khấu truyền hình.

Bên cạnh đó, nếu ở một vài tác phẩm xuất hiện thủ pháp "ước lệ" trong trang trí vở diễn, tạo được không gian sân khấu độc đáo, mới lạ thì một số tác phẩm khác lại rơi vào tính "tự nhiên" trong trang trí khi ghi hình, đó là sự pha trộn giữa hư và thực; cảnh vẻ đan xen cây thực trong quá trình thực hiện các cảnh quay ngoài trời hoặc bên bờ sông, ngoài đồng bãi… dẫn đến sự thiếu nhất quán trong không gian nghệ thuật của tác phẩm.

"Ở một số tác phẩm khác còn xuất hiện sự lỏng lẻo, khiên cưỡng trong cấu trúc kịch bản; cố tạo tình huống để ca mùi, ca cho nhiều mà thiếu những tình huống, những sự biến để dẫn đến có thể ca hát một cách hợp lý, đủ liều lượng. Vì vậy, hiệu quả về cảm xúc thẩm mỹ của người xem đối với những lớp diễn, những tác phẩm nêu trên chắc chắn sẽ kém đi rất nhiều", NSND Hoàng Dũng kết lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước