LHTHTQ lần thứ 39: Chương trình dành cho thiếu nhi cần chú trọng nội dung và hình thức thể hiện

T.K-Thứ bảy, ngày 14/12/2019 12:10 GMT+7

Nhà báo Nhật Hoa (giữa) - Giám đốc Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (Đài Truyền hình Việt Nam) - Trưởng Ban Giám khảo Chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 39

VTV.vn - Ban giám khảo Chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 39 đã hoàn tất công tác chấm thi và đưa ra những nhận xét về các tác phẩm dự thi năm nay.

Về mảng ca múa nhạc thiếu nhi, theo Ban Giám khảo Chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 39, vẫn như năm 2018, đây được coi là mảng "truyền thống" bởi số lượng tác phẩm gửi tham dự luôn chiếm tỉ lệ nhiều nhất. Mặc dù trong báo cáo 2018, Ban giám khảo cũng chỉ ra đây là mảng chương trình đang bị đi vào lối mòn, cả về nội dung và hình thức thể hiện… nhưng tình trạng này vẫn tồn tại trong các tác phẩm gửi dự thi LHTHTQ lần thứ 39.

Về nội dung, các chương trình vẫn đa phần được xây dựng dưới dạng bài nối bài, có chọn chủ đề xuyên suốt (môi trường, lịch sử, truyền thống văn hóa quê hương, nhân vật điển hình…). Các chương trình tập trung nhiều về phần thể hiện công phu, tốn kém, nhưng chưa thực sự nghiên cứu nhu cầu về thông tin, giáo dục, giải trí của đối tượng khán giả thiếu nhi để đáp ứng những nhu cầu đó thông qua chương trình. Có chương trình có chất lượng thể hiện tốt về âm nhạc, hình ảnh nhưng không dành cho thiếu nhi mặc dù có nhân vật chính là trẻ em. Một số chương trình giới thiệu về làn điệu dân ca vùng miền nhưng cách thể hiện rất cũ, không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ. Hầu hết các tác giả ở thể loại này chưa trả lời được câu hỏi liên quan tới khán giả đích: Tại sao trẻ em phải xem chương trình này? Xem chương trình này thì trẻ em sẽ được truyền động lực hay cảm hứng gì?

"Một lần nữa, chúng tôi xin được nhắc lại vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra tại LHTHTQ lần thứ 38: Việc sản xuất các chương trình ca múa nhạc thiếu nhi thường tốn kém nhưng cần xem lại tính hiệu quả của việc đầu tư này. Âm nhạc là một hình thức tiếp cận đúng khi thực hiện chương trình cho trẻ em, tuy nhiên cần chú trọng đến nội dung cần chuyển tải trước, hình thức thể hiện là bước tiếp theo để đưa nội dung đến được với khán giả. Các nhà sản xuất cần nghiêm túc xem lại việc đầu tư nghiên cứu nhu cầu và tâm lý tiếp nhận của trẻ em để nâng cao chất lượng thực sự của các tác phẩm", nhà báo Nhật Hoa - Giám đốc Trung tâm Sản xuất các chương trình Giáo dục (Đài Truyền hình Việt Nam), Trưởng Ban Giám khảo Chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 39 - kiến nghị.

Về mảng giáo dục giải trí, mảng này có điểm mạnh là được định hướng khá rõ về đối tượng khán giả cũng như có những nghiên cứu nhất định về nhu cầu và thị hiếu của các em. Các chủ đề xoay quanh giáo dục về kiến thức về lịch sử, văn hóa quê hương, hướng nghiệp, trải nghiệm sáng tạo, sức khỏe, kỹ năng sống… Tuy nhiên mảng này vẫn còn tồn tại những nhược điểm như: nội dung chưa sâu và kỹ, cấu trúc kịch bản chưa chặt chẽ, và thậm chí tồn tại cả những lỗi đáng tiếc về chất lượng âm thanh.

Về mảng phóng sự, thực tế, Ban giám khảo cho rằng, các tác phẩm tham dự ở thể loại này tập trung vào khai thác đề tài xoay quanh một nhân vật hoặc một sự kiện điển hình, qua đó muốn chuyển tải đến khán giả một thông điệp cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm thành công trong mục tiêu chuyển tải này, tạo cảm hứng và động lực cho khán giả, thì cũng có những tác phẩm lại không thành công khi chỉ dừng lại ở việc tường thuật sự kiện, không rõ về thông điệp hướng tới đối tượng trẻ em.

LHTHTQ lần thứ 39: Chương trình dành cho thiếu nhi cần chú trọng nội dung và hình thức thể hiện - Ảnh 1.

Ban Giám khảo Chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 39 chấm thi

Về mảng hoạt hình giáo dục, mặc dù chỉ có thời lượng ngắn, nhưng những người thực hiện tác phẩm đã mang tới Liên hoan một cách làm mới với việc chạm tới nhu cầu cần được người lớn tôn trọng và lắng nghe của khán giả nhỏ tuổi trong mối quan hệ với những người thân của mình. Với nội dung được tham vấn kỹ lưỡng từ các chuyên gia và cách thể hiện đơn giản, độc đáo, chương trình rất thiết thực và có giá trị giáo dục cao không chỉ cho đối tượng trẻ em mà con với cả những người lớn trong gia đình.

Về phim tài liệu, Ban giám khảo đánh giá rất cao tác phẩm bởi cách chọn đề tài, cầu trúc nội dung và cách thể hiện dung dị của nhóm tác giả.

Trưởng Ban Giám khảo Chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 39 nhận định: Khán giả thiếu nhi là một đối tượng khán giả rất quan trọng, là khán giả tiềm năng cần được quan tâm chăm sóc của các kênh truyền hình trong tương lai. Nếu không quan tâm đến việc phục vụ đối tượng khán giả này, truyền hình truyền thống sẽ gặp nhiều khó khăn khi các hạ tầng số khác như Youtube, Netflix… đang tìm cách thu hút trẻ em thông qua các kho nội dung không dược kiểm soát, cả miễn phí và trả phí trên mạng.

"Các tác giả cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu, quá trình phát triển, tâm lý tiếp nhận của trẻ em theo lứa tuổi để thực hiện được các chương trình đáp ứng được đối tượng khán giả đặc thù này. Cần đẩy mạnh các hoạt động trao đổi chuyên môn giữa các đơn vị sản xuất, các tác giả có tác phẩm dành cho thiếu nhi trên toàn quốc để nâng cao chất lượng mảng chương trình này. Chúng tôi đề xuất tổ chức hội thảo về sản xuất chương trình thiếu nhi trong LHTHTQ năm sau", vị Trưởng ban giám khảo kết lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước