Được biết lúc đầu tên phim là Sinh viên cảnh sát nhưng tại sao sau đó anh quyết định đổi tên thành Chạm tay vào nỗi nhớ? Tôi thấy tên phim này nghe như phim tình cảm chứ không có hơi hướng đậm chất hình sự?
- Đúng vậy! Đầu tiên tên phim là Sinh viên cảnh sát nhưng qua quá trình thực hiện, chúng tôi đã đổi tên phim thành Chạm tay vào nỗi nhớ để khán giả cảm nhận được phim không chỉ nói về đặc thù của ngành nghề cảnh sát mà còn là tình bạn, tình yêu tuổi sinh viên, tình đồng đội khi ngồi trên ghế nhà trường… đặc biệt hơn đó còn là quan niệm sống của giới trẻ.
‘ Đạo diễn Vũ Hồng Sơn tại buổi họp báo phim
Anh có thể nói rõ hơn về quan niệm sống chuẩn mà Chạm tay vào nỗi nhớ đang muốn truyền tải?
- Hiện nay, giới trẻ có cái nhìn lệch chuẩn về cuộc sống. Vì vậy, qua bộ phim Chạm tay vào nỗi nhớ tôi muốn giới trẻ làm thế nào để sống xứng đáng với cuộc sống hiện tại. Tiểu biểu đó là những sinh viên cảnh sát khi mới vào trường, họ là những thanh niên chưa hoàn hảo nhưng qua quá trình rèn luyện họ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực và có cái nhìn về cuộc sống đúng đắn hơn.
Nổi bật trong phim, khán giả đã thấy Quân “cậu” lúc mới vào trường để tóc dài không giống ai nhưng quá trình học tập, rèn luyện và sự tác động của môi trường Học viện cảnh sát, Quân đã phải xuống tóc và để kiểu nghiêm túc như bao sinh viên khác.
Nếu muốn qua sinh viên để truyền tải thì có thể nói về các trường khác nhau nhưng tại sao anh lại chọn sinh viên trường cảnh sát?
- Như tôi đã nói, tôi muốn đưa ra quan niệm sống chuẩn và đặc biệt là sinh viên cảnh sát – những người bảo vệ công lý, nhân dân sẽ giúp người xem có cái nhìn chính xác, đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, môi trường học tập của sinh viên cảnh sát cũng có nhiều đặc thù riêng so với các trường đại học khác. Tôi muốn thông qua các vụ án, quan niệm sống, tính cách của các nhân vật trong phim sẽ có sự thay đổi rõ rệt để hoàn thiện bản thân mình. Thông qua đó, khán giả cũng có cái nhìn thiện cảm hơn về ngành nghề cảnh sát.
Tâm lý của sinh viên cảnh sát so với các trường khác có sự khác biệt như thế nào, thưa anh?
- Sinh viên cảnh sát năm học đầu tiên chưa có sự khác biệt, thay đổi nhiều. Hầu như các sinh viên khi mới bước vào trường và tiếp xúc với môi trường có tính kỷ luật cao thì đều có tâm lý chống đối vì đang tự do lại bị gò ép. Từ những năm sau, tất cả đều phải bước vào khuôn khổ nghiêm ngặt. Bởi vậy, chúng tôi chỉ chọn sinh viên năm đầu tiên với những cá tính khác biệt để phim có nhiều màu sắc.
‘ Đạo diễn Vũ Hồng Sơn trả lời phỏng vấn
Vậy với đặc thù riêng của ngành nghề cảnh sát, khi thực hiện bộ phim Chạm tay vào nỗi nhớ, anh đã gặp phải những khó khăn nào?
- Vì đã có khá nhiều kinh nghiệm sau những lần thực hiện bộ phim hình sự nên tôi không gặp phải khó khăn nhiều khi làm Chạm tay vào nỗi nhớ. Tôi phải học hỏi về chuyên môn, đi xem các cảnh sát điều tra hỏi cung tội phạm hoặc điều tra án để phim sát với thực tế, hiểu rõ tâm lý tội phạm.
Khi làm phim Chạm tay vào nỗi nhớ, điều khó khăn nhất của tôi là dàn diễn viên trẻ không chuyên, vì thế tôi phải hướng dẫn, uốn nắn cẩn thận. Số lượng diễn viên của phim đông tới hàng trăm sinh viên cảnh sát nên tôi phải chú ý kỹ lưỡng để lên hình ưng ý. Từ những diễn viên chính đến diễn viên phụ, tôi phải để ý từng chi tiết nhỏ nhất sao cho đồng bộ và ăn nhập diễn xuất.
Bên cạnh đó, phim có nhiều cảnh hành động nên chúng tôi khá vất vả để hoàn thành những pha đánh đấm. Vì thế, khâu hậu kỳ cũng phải dàn dựng kỹ lưỡng để chất lượng âm thanh, hình ảnh đẹp mắt.
Anh hài lòng với Chạm tay vào nỗi nhớ chứ?
- Dàn diễn viên trẻ nhiệt huyết giúp tôi như trẻ lại và tôi hài lòng với diễn xuất của các bạn. Tôi cũng rất vui vì ngay những tập đầu tiên, phim đã có sự đón nhận đông đảo từ khán giả trẻ. Vì vậy, sau Chạm tay vào nỗi nhớ chúng tôi có dự định sẽ thực hiện series phim tiếp theo để phục vụ khán giả.
Vậy anh có thể bật mí về phần 2 của Chạm tay vào nỗi nhớ được chứ?
- Đó sẽ là phần tiếp nối của những sinh viên cảnh sát khi ra trường. Khán giả sẽ thấy họ trưởng thành và phá án ra sao ở cơ quan làm việc.
Cảm ơn và chúc anh sớm ra mắt phần 2 của phim!