Dương Khắc Linh: Trẻ em nước ngoài hát "I love you" là bình thường

Thùy Hương-Thứ năm, ngày 16/07/2015 07:00 GMT+7

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng ở Việt Nam, việc trẻ em hát nhạc người lớn đang bị nhìn nhận theo chiều hướng tiêu cực (Ảnh: FB nhân vật)

VTV.vn - Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng trẻ em nước ngoài hát nhạc người lớn là bình thường, tuy nhiên ở Việt Nam, việc này lại không được nhìn nhận một cách tích cực.

Ngày 18/7, tập đầu tiên của Giọng hát Việt nhí 2015 sẽ chính thức ra mắt khán giả và trong thời gian chờ đợi, phóng viên của VTV News đã có cuộc phỏng vấn với nhạc sĩ Dương Khắc Linh – GK mới của chương trình tìm kiếm tài năng nhí “hot” nhất hiện nay.

Trong cuộc trò chuyện, nhạc sĩ Dương Khắc Linh không chỉ chia sẻ cảm xúc của anh khi lần đầu ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí mà còn thẳng thắn đưa ra quan điểm về vấn đề trẻ con hát nhạc người lớn – điều đang vấp phải những ý kiến trái chiều của dư luận.

TRẺ EM HÁT NHẠC NGƯỜI LỚN KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU XẤU

Phóng viên: Xin chào nhạc sĩ Dương Khắc Linh! Việc chuyển từ vị trí cầm cân nảy mực của một cuộc thi dành cho người lớn là Nhân tố bí ẩn sang một cuộc thi dành cho trẻ em là Giọng hát Việt nhí chắc hẳn mang đến cho anh nhiều thay đổi?

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh: Hai chương trình này có rất nhiều điểm khác biệt. Nếu như ở Nhân tố bí ẩn, công việc chính của tôi chỉ là nhận xét về phần trình diễn của các thí sinh thì trong Giọng hát Việt nhí, tôi được đảm nhận vị trí HLV – một công việc hoàn toàn khác so với khi làm giám khảo. Tôi phải lựa chọn, tranh giành và hướng dẫn các thí sinh. Công việc này có nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn lại đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.

Đối với tôi, công việc này phù hợp hơn bởi có nhiều “trò” để làm hơn và nhiều thứ để nói hơn chứ không chỉ đơn thuần là đưa ra những lời nhận xét.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây anh đã nói rằng mình có khiếu dụ trẻ, có vẻ điều này giúp ích cho anh rất nhiều khi tham gia Giọng hát Việt nhí?

- Tôi rất thích tiếp xúc với trẻ em. Không phải ai cũng thích hợp làm những công việc liên quan đến trẻ em, thế nhưng khi được hướng dẫn, chỉ dạy cho các bé trong Giọng hát Việt nhí, tôi thấy rất tự nhiên.

Tham gia Giọng hát Việt nhí, anh sẽ phải tranh đấu rất nhiều để mang các thí sinh về đội mình. Vậy trước khi tham gia chương trình, anh có một chiến thuật nào không?

- Tôi có một chiêu rất hay. Đó là chiêu gì thì mọi người sẽ thấy khi chương trình lên sóng. Bật mí một chút là chiêu này đã khá thành công (cười).

Sau một khoảng thời gian tiếp xúc với các thí sinh và các HLV khác, anh đánh giá thế nào về thực lực của 3 đội?

- Những thí sinh tốt đều được rải đều cho 3 đội và đội nào cũng có những thế mạnh riêng. Tôi nghĩ tương quan lực lượng mỗi đội bây giờ khá đồng đều.

Thời gian gần đây, việc các thí sinh nhí biểu diễn những ca khúc dành cho người lớn tại một số cuộc thi âm nhạc dành cho thiếu nhi đã tạo ra những phản ứng trái chiều. Ý kiến của anh về việc này như thế nào?

- Tôi theo dõi The Voice Kids ở những nước khác thì thấy các bé hát những ca khúc dành cho người lớn rất nhiều, bởi những ca khúc đó đem đến cho thí sinh nhiều đất diễn và những ca khúc như vậy mới thực sự phù hợp với các cuộc thi. Còn các sáng tác dành cho thiếu nhi đa phần chỉ là dễ nhớ, dễ hát theo chứ chưa phù hợp để thể hiện tại một chương trình tìm kiếm tài năng. Đó là chưa nói tới các ca khúc dành cho lứa tuổi từ 8 - 15 tại Việt Nam hiện nay cũng chưa có nhiều.

Bên cạnh đó, khi lắng nghe một ca khúc, người Việt Nam thường chú tâm vào phần lời còn người nước ngoài lại quan tâm nhiều hơn đến giai điệu. Ở nước ngoài, một em bé hát câu I love you là hoàn toàn bình thường hay thậm chí còn được khen là dễ thương. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhiều người lại cho rằng những ca từ đó không phù hợp cho trẻ em. Tôi nghĩ đây là một trong số những khác biệt rõ nét nhất giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.

"CÁI KHÓ LÀ TẠO RA CÁC CA KHÚC CÓ TUỔI THỌ HƠN 1 TUẦN"

Nhân nói tới các ca khúc, hãy chuyển sang mảng sáng tác anh vẫn đang theo đuổi. Ca khúc No way anh viết cho O Plus (nhóm nhạc thành danh từ Nhân tố bí ẩn) đã nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả. Nó gợi nhớ tới những ca khúc nhạc pop kinh điển đã gắn liền với những cái tên như Boyzone hay West Life nhiều năm về trước. Phải chăng, anh và O Plus đang muốn vực dậy thời hoàng kim của boyband?

- Ca khúc này tôi sáng tác dành riêng cho O Plus vì tôi nghĩ nó rất phù hợp với một boyband. No way có khá nhiều đất để phô giọng với phần bè dày và nghe rất “đã”.

Tôi nghĩ sau Nhân tố bí ẩn, xu hướng boyband ít nhiều cũng đã trở lại với thị trường âm nhạc Việt Nam và gây được nhiều chú ý, bằng chứng là các tác phẩm của những nhóm nhạc nam như O Plus, F Band ... đã gây được nhiều tiếng vang. Tôi nghĩ họ có những màu sắc mà trước đây chưa có tại Việt Nam. Trong thời gian này, tôi đang hoàn thiện nhiều sản phẩm mới để có thể giúp họ tỏa sáng trên sân khấu nhạc Việt.

O Plus là nhóm nhạc được anh dìu dắt từ Nhân tố bí ẩn. Anh thấy họ có thay đổi gì trước và sau khi cuộc thi này kết thúc?

- Theo lời nói của O Plus, họ đang chạy show dữ lắm (cười). Tôi rất mừng cho các bạn ấy. F Band cũng vậy, sau khi Nhân tố bí ẩn kết thúc, họ cũng khá bận rộn. Với tư cách là một GK và cũng là người dìu dắt các bạn ấy, tôi cảm thấy rất hài lòng.

Sự bùng nổ của các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình đã mang đến thành công nhanh chóng cho những thí sinh trẻ tham gia cuộc thi này. Tuy nhiên, điều đó kéo theo việc một số bạn trẻ đã có suy nghĩ mượn những cuộc thi tìm kiếm tài năng làm con đường tắt để tìm kiếm danh tiếng. Anh đồng ý với suy nghĩ này hay không?

- Không có sự nổi tiếng nào nhanh hơn việc tham gia các cuộc thi âm nhạc như Nhân tố bí ẩn hay Giọng hát Việt. Tuy nhiên, không phải cuộc thi nào cũng đủ sức hút để trở thành bệ phóng cho tên tuổi của một ca sĩ.

Theo anh, sự phát triển của các cuộc thi tìm kiếm tài năng đã ảnh hưởng như thế nào đến thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?

- Cái hay của nó là đưa cho các bạn trẻ cơ hội để nổi tiếng nhanh. Thế nhưng cái dở là khiến thị trường âm nhạc Việt Nam bị quá tải. Khi thị trường đã có quá nhiều gương mặt giống nhau thì sẽ rất khó để một giọng ca trở nên nổi bật.

Anh đã trở về Việt Nam được 8 năm, anh nhận thấy thị trường âm nhạc lúc đó so với bây giờ như thế nào?

- Showbiz Việt hồi đó còn rất “hiền” chứ không sôi nổi như bây giờ. Rất ít ca sĩ đầu tư làm MV mà chủ yếu chỉ phát hành album hoặc chạy show. Một ca khúc ra mắt vào thời điểm đó cũng có vòng đời dài hơn so với hiện nay. Giờ đây, mỗi ngày có rất nhiều bài hát, MV hay single trình làng trên các trang nghe nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, một khi những bài hát đó biến mất khỏi trang chủ (front page) thì cũng đồng nghĩa với việc nó đó sẽ bị quên lãng.

Theo tôi, cái khó cho những nghệ sĩ hiện nay khi tạo ra sản phẩm là làm sao để khán giả yêu thích và dành sự quan tâm cho bài hát của mình nhiều hơn một tuần. Đây thực sự vẫn là một bài toán khó!

Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước