Nhiếp ảnh gia Lê Quang Long.
Một năm cũ qua đi và một hành trình mới lại bắt đầu, nhìn lại năm 2021 đã qua chúng ta không khỏi xúc động trước những mất mát, hy sinh và sự chiến đấu không biết mệt mỏi của người dân Việt Nam trước đại dịch COVID-19. Ở đó có những bước chân không ngừng nghỉ với các chuyến đi thiện nguyện, giúp đỡ bà con ở vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn. Trong Gala Việc tử tế năm 2022, khán giả sẽ được lắng nghe những câu chuyện ý nghĩa về hành trình vun đắp yêu thương, mang tình yêu và sự ấm áp đến những trẻ em vùng cao tại Hà Giang, nơi địa đầu tổ quốc.
Những bước chân xanh nuôi lớn ước mơ đến trường
Lê Quang Long (28 tuổi) là chàng trai đến từ Quảng Nam, vốn nổi tiếng trong cộng đồng du lịch bụi với những bức ảnh đầy ấn tượng. Trên chặng đường phiêu lưu tới những vùng đất mới lạ, ngoài những tấm ảnh chạm tới lòng người, thì chàng nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Lê Quang Long còn thắp sáng những mảnh đời khó khăn bằng những dự án thiện nguyện vô cùng ý nghĩa.
Trong những chuyến đi của mình, anh có cơ hội gặp gỡ nhiều người, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao. Những cuộc gặp mặt đó đã thôi thúc anh phải hành động. Và nhóm thiện nguyện "Những bước chân xanh" ra đời từ đó, viết nên hành trình mới về những bữa ăn trưa cho trẻ em vùng cao với dự án "Bếp Hoàng Cầm".
Quang Long cũng không thể đếm hết được những chuyến thiện nguyện mà anh đã làm, thế nhưng, không thể phủ nhận những chuyến đi của anh đã góp phần không nhỏ đến việc cải thiện cuộc sống của nhiều người. Đặc biệt là dự án chống đói cho trẻ em nghèo vùng cao.
Đến nay dự án "Bếp Hoàng Cầm"đã có hơn 60.000 bữa ăn trưa miễn phí cho các bạn nhỏ tại Đắk Nông, Hà Giang, Lào Cai.... Bếp này đóng rồi, Bếp khác mở ra, cứ như thế sẽ giữ mãi được ngọn lửa ấm vun đắp những bữa cơm cho trẻ em vùng cao còn nhiều thiếu thốn.
Ngoài dự án Bếp Hoàng Cầm, Long cùng các thành viên trong nhóm còn hoàn thành kế hoạch mang nguồn nước sạch đến với bản làng nằm cheo leo bên vách núi. Hay dự án "Thư viện yêu thương" hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn cho các em.
Khi nhìn lại những bức ảnh của những đứa trẻ vùng cao trong hành trình mà anh đã đi qua, thì cảm xúc của anh mỗi thời điểm đó như thế nào?
- Vẻ đẹp của những em bé vùng cao luôn là những vẻ đẹp rất tự nhiên, đằng sau mỗi bức ảnh của Long đều là một câu chuyện, đó không phải là một khoảnh khắc tình cờ, đó là lúc các em đang đi phụ bố mẹ ở trên nương, dù còn rất nhỏ tuổi những các em đã làm được rất nhiều việc.
Đối với anh, năm 2021 anh tự hào nhất về điều gì?
- Trong một năm dịch bệnh vừa qua, Long và nhóm đã hỗ trợ TP.HCM một thời gian khá dài. Hơn 5 tháng nhóm đã dùng hết sức lực hỗ trợ được khoảng hơn 400 tấn rau, y tế quá tải, nhóm vẫn hỗ trợ, tiếp xúc trực tiếp với F0 hàng ngày, đưa các F0 tới bệnh viện, mọi người cần mình thì mình phải dùng hết sức lực để giúp đỡ bà con .
Năm mới đã đến rồi, anh có kế hoạch gì cho những ngày tiếp theo không?
- Sau chuyến đi Hà Giang này thì Long dự định sẽ quay về miền Trung, phía Nam Trà My sau đó là Tây Nguyên, năm nay Long sẽ đón Tết xa nhà. Đối với Long được sinh ra trên mảnh đất này đã là một điều hạnh phúc, được giúp sức cho đất nước này, giúp cho các em nhỏ vùng cao như thế này đó là một niềm vui, một niềm tự hào với Long và tất cả thành viên trong nhóm.
Hành trình vượt qua đại dịch của cô trò vùng cao
Tháng 11 vừa qua khi dịch COVID-19 bùng phát với 150 ca mắc, hàng trăm học sinh và giáo viên vùng cao huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã thực hiện cách ly phòng chống dịch ngay tại trường. Trường học biến thành khu cách ly tập trung cho 300 học sinh và giáo viên. Các cô trò của Trường Tiểu học Thuận Hòa đã sát cánh cùng nhau chiến đấu với dịch bệnh. Ngay khi phát hiện các ca bệnh, trường đã sắp xếp, phân loại từng khu ở dành riêng cho các em. Các cháu lớp 1,2 còn nhỏ tuổi nên việc chăm sóc cũng phải là các thầy cô giáo. Nhiều giáo viên đã phải gửi con cái cho ông bà để đi cách ly cùng học sinh.
Ngôi trường vắng bóng tiếng cười, cô và trò phải tự mình xoay sở, nhờ sự quan tâm, chăm sóc hết lòng của các thầy cô giáo, dịch bệnh đã được kiểm soát, cô trò được cởi bỏ bộ đồ bảo hộ y tế và trở lại với những ngày vui đến trường.
Xuất hiện trong gala Việc tử tế năm 2022, cô giáo Nguyễn Thị Khanh – Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc Bán trú THCS Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang đã chia sẻ về những vất vả, hy sinh của các thầy cô giáo trong đợt dịch để đảm bảo sự an toàn và yên tâm cho học sinh cũng như gia đình các em.
Trong giai đoạn nhà trường chiến đấu với dịch Covid 19 thì khoảng thời gian nào khiến cô cảm thấy khó khăn nhất?
- Đó là tuần đầu tiên khi dịch được phát hiện tại trường, rất nhiều cô giáo chồng đi công tác xa, 2 con nhỏ ở nhà, không có ai trông cả, có những thầy cô đang mắc bệnh nền cũng vẫn ở lại đồng hành cùng các em học sinh. Những ngày đầu, các thầy cô ngủ rất ít, có khi làm việc đến 4h sáng. Sinh hoạt bị xáo trộn rất nhiều.
Trường có 480 em thì tới 2/3 học sinh là con hộ nghèo, rất nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, các thầy cô đóng vai trò như cha mẹ các em, chăm sóc tận tình để các em có sức khỏe tốt chống lại dịch bệnh.
Những câu chuyện đầy xúc động ấy và cả những hy vọng về một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn đã được gửi trao trong "Gala Việc tử tế năm 2022: Vì đất nước cần những trái tim" phát sóng tối 4/2 (tức mùng 4 Tết). Để nghe nhiều hơn những câu chuyện, bạn hãy xem lại trong video dưới đây.
Gala Việc tử tế: Vì đất nước cần những trái tim
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!