Giai điệu tự hào – Tái hiện lịch sử, kết nối thế hệ qua những giai điệu bất hủ

Vũ Thược-Thứ năm, ngày 16/01/2014 22:36 GMT+7

Được Việt hóa từ một format nổi tiếng của truyền hình Nga, “Giai điệu tự hào” hứa hẹn sẽ truyền thêm sức sống, tái hiện lịch sử và kết nối thế hệ qua những ca khúc bất hủ trên làn sóng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Truyền sức sống mới cho những “báu vật tinh thần”

Giai điệu tự hào được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format chương trình truyền hình Tài sản quốc gia – chương trình nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm qua (từ năm 2009-2013) của lịch sử truyền hình Nga.

Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét.

‘ Ca sỹ Tân Nhàn trên sân khấu Giai điệu tự hào số 1

Ở Nga, Tài sản quốc gia không đơn thuần là một chương trình ca nhạc làm mới các ca khúc đã từng được yêu thích trong nhiều thập kỷ trước, điều đặc biệt nhất của chương trình nằm ở phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận thuộc hai thế hệ đối lập. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội. Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên những cuộc đối thoại, phản biện lúc tương đồng, khi lại mâu thuẫn đến nảy lửa. Nhưng nhờ có thế, nhân sinh quan, cách tư duy những vấn đề tưởng cũ nhưng lại mang hơi thở thời đại được nêu bật.

Phát biểu tại buổi họp báo ra mắt chương trình, ông Phạm Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết: Việc Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện một chương trình giàu ý nghĩa như Tài sản quốc gia là một nỗ lực lớn nhằm đem lại cho khán giả những chương trình hay, đậm tính nhân văn, có giá trị kết nối tinh thần sâu sắc giữa các thế hệ.

Giai điệu tự hào – Quá trình Việt hóa gian nan

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trịnh Lê Văn, Trưởng Ban Văn nghệ, đơn vị chỉ đạo sản xuất chương trình và nhà biên kịch Phan Huyền Thư đều khẳng định: quá trình Việt hóa Tài sản quốc gia là một hành trình vô cùng gian nan đòi hỏi ê kip thực hiện phải mất rất nhiều thời gian và công sức.

Khác với các chương trình truyền hình thực tế của của Mỹ, Australia hay Hà Lan, vốn được chuẩn hóa format nhằm phục vụ cho việc chuyển giao bản quyền cho các quốc gia khác thì diện mạo của Tài sản quốc gia ở Nga lại không có một format chuẩn. Diện mạo của chương trình được hiệu chỉnh dần qua các tập, mùa phát sóng để tiến gần hơn với khán giả. Theo nhà biên kịch Phan Huyền Thư đây là khó khăn lớn nhất của cả êkíp Việt Nam khi bắt tay vào dự án lần này.

‘ NSND Quang Thọ thể hiện ca khúc kinh điển Tôi là người thợ lò

Ngoài ra, sự khác biệt trong văn hóa tiếp nhận phản biện trong một chương trình “nghĩ mở, nói thẳng” như Giai điệu tự hào cũng là một khó khăn khi thực hiện. Chương trình tôn trọng tuyệt đối quan điểm của các khách mời dù rằng quan điểm ấy có khác biệt hoàn toàn với ý kiến số đông.

Khó khăn là vậy, tuy nhiên, ê kip sản xuất Giai điệu tự hào cũng hy vọng rằng, thông qua chương trình, khán giả truyền hình sẽ dần làm quen với cách nghĩ mở - nói thẳng, những quan điểm trái chiều, đặc biệt khi thế hệ trẻ có những phản biện với các thế hệ đi trước.

Nhiều tên tuổi nổi bật trong ê kip sản xuất

Đảm nhận vị trí biên kịch cho chương trình là nhà thơ Phan Huyền Thư – một cái tên đã rất quen thuộc với nhiều độc giả. Chia sẻ trong buổi họp báo giới thiệu chương trình, Phan Huyền Thư cho biết, công việc của chị trong chương trình này là đưa những câu chuyện mở để truyền thống được tiếp tục thông qua những giai điệu vốn là niềm tự hào của dân tộc. “Tôi hy vọng chương trình sẽ đưa những chuẩn thẩm mỹ về gần với nhau hơn không chỉ giữa các thế hệ và còn ở nhiều lớp khán giả khác nhau”, nhà biên kịch Phan Huyền Thư cho biết.

(Từ trái qua) NSUT Trịnh Lên Văn, Trưởng Ban Văn nghệ, đơn vị chỉ đạo sản xuất chương trình, bà Nguyễn Minh Phương (giám đốc sản xuất), ông Phạm Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Đài THVN, nhà biên kịch Phan Huyền Thư và đạo diễn Việt Tú trong buổi họp báo ra mắt chương trình

Đảm nhận vị trí giám đốc âm nhạc là nhạc sỹ Quốc Trung, người từng giữ vị trí này cho rất nhiều chương trình lớn. Bên cạnh Bài hát yêu thích, đạo diễn Việt Tú sẽ đồng hành với Giai điệu tự hào trong năm 2014.

“Giai điệu tự hào đã vượt qua ý nghĩa của một chương trình âm nhạc đơn thuần, để mang tới cho những người tham dự và cả khán giả rất nhiều thông điệp, ý nghĩa và những khái niệm mới về một chương trình được phát sóng trên truyền hình. Tôi tin rằng, thông qua chương trình không chỉ thế hệ cha anh đi trước tìm thấy được ký ức đầy tự hào mà với thế hệ tôi hay trẻ hơn sẽ tìm thấy những điểm tựa tinh thần mới ”, đạo diễn Việt Tú phát biểu.

Nhiều tiết lộ hấp dẫn về số đầu phát sóng đầu tiên

Với chủ đề Bài ca năm tấn, Giai điệu tự hào số đầu tiên là sẽ lát cắt về thập niên 60 xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc với những bài hát như Tôi là người thợ lò, Bài ca năm tấn, Quảng Bình quê ta ơi, Cô thợ Hàn.

Chương trình sẽ có sự tham gia của những tên tuổi gạo cội như NSND Quang Thọ bên cạnh những ca sỹ trẻ như Tân Nhàn. Chương trình cũng có sự xuất hiện đặc biệt của Đàm Vĩnh Hưng hay màn trình diễn đặc biệt giữa Đức Tuấn cùng cố NSND Quốc Hương trong ca khúc Những ánh sao đêm.

Số 1 của Giai điệu tự hào sẽ lên sóng vào ngày 25/1 tới đây trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước